Nghị quyết số 19-NQ/TW: Tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư vào nông nghiệp Nghị quyết số 19-NQ/TW: Ưu tiên đầu tư nguồn lực, đưa tam nông lên tầm phát triển mới

PV: Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 19). Theo ông, nghị quyết này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của khu vực “tam nông” trong giai đoạn mới?

Vốn ngân sách làm
Ông Đinh Trọng Thịnh

Ông Đinh Trọng Thịnh: Khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông) luôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm đầu tư và có nhiều chỉ đạo để lĩnh vực này tạo nên bước đột phá trong quá trình phát triển nền kinh tế. Đặc biệt, khu vực nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ tạo ra lương thực, thực phẩm, hàng hóa xuất khẩu, mà còn là nơi giảm các cú sốc về tác động của kinh tế, chính trị - xã hội trong nhiều năm qua, từ đó góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua và tương lai.

Vì vậy, sự ra đời của Nghị quyết 19 về tam nông là một bước kế tiếp của Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Bộ Chính trị. Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, có thể tạo ra bước đột phá trong phát triển lĩnh vực tam nông, cũng như được hy vọng là bước tạo đà cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai theo hướng kinh tế xanh, sử dụng ít nhất tài nguyên thiên nhiên, tác động thấp nhất đến môi trường của con người.

PV: Nghị quyết 19 hướng tới mục tiêu "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" và nhấn mạnh nguồn lực của đất nước sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho tam nông để hoàn thành các mục tiêu đề ra tại nghị quyết. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, theo ông phải làm thế nào để huy động vốn đầu tư cho tam nông?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Thời gian qua, chúng ta cũng nhìn thấy sự đầu tư của xã hội chưa tương xứng với tiềm năng và tầm quan trọng của khu vực tam nông. Lĩnh vực đầu tư xã hội cho nông nghiệp vẫn còn thấp, chỉ chiếm gần 6% tổng đầu tư của xã hội cho nền kinh tế và có xu hướng giảm. Nguyên nhân khiến việc đầu tư vào lĩnh vực trọng yếu của đất nước thấp như lĩnh vực nông nghiệp gắn liền với điều kiện tự nhiên về đất đai, sự thay đổi liên tục của thời tiết. Do vậy, đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh và lợi nhuận thu về không cao, khiến nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước không mặn mà.

Giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 sẽ nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.        Ảnh: Văn Giang
Giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 sẽ nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Ảnh: Văn Giang

Mặc dù thời gian gần đây Nhà nước đã có đầu tư để nâng cao cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, nâng cao các cơ sở vật chất kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, nhưng rõ ràng so với tốc độ tăng trưởng phát triển của nền kinh tế và tốc độ đầu tư thì rõ ràng lĩnh vực tam nông cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Việc ưu tiên tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020 thể hiện sự quan tâm, cũng như sự quyết tâm đổi mới của Bộ Chính trị trong quá trình đổi mới nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Việc tăng đầu tư của Nhà nước sẽ tạo vốn mồi để từ đó thu hút, cũng như tạo sự tăng trưởng và phát triển của các dòng vốn khác từ vốn đầu tư trong nước của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, hộ gia đình và vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực tam nông.

Với việc đầu tư thêm nguồn lực, hy vọng tạo ra những sự thay đổi đột phá trong khu vực tam nông, sẽ góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ của người nông dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo ra các chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh tiêu thụ trong sản phẩm nông nghiệp theo kịp trào lưu phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới. Từ đó, góp phần tạo cho nông nghiệp, nông thôn có thêm động lực đáp ứng yêu cầu mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

PV: Để Nghị quyết 19 đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phía Bộ NN&PTNT cần làm gì, thưa ông?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Để Nghị quyết 19 sớm đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ban ngành, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp trên cả nước, phải đồng lòng nhất trí mới sớm triển khai và hiện thực hóa nghị quyết vào cuộc sống, có thể tạo bước đột phá trong phát triển tam nông. Trong đó, Bộ NN&PTNT có vai trò quan trọng, “đứng mũi chịu sào” cùng các bộ, ngành, tổ chức hiện mục tiêu của Nghị quyết 19.

Theo đó, Bộ NN&PTNT phải thực hiện quy hoạch nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, lấy người dân là trung tâm. Đồng thời thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; cải thiện khả năng tiếp cận chính sách, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tiếp cận chính sách dễ dàng hơn; đẩy mạnh khoa học công nghệ làm nền tảng và động lực, nhất là tiếp cận công nghệ cao, công nghệ thông minh trong ứng dụng sản xuất để có sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chúng ta phải đổi mới cơ chế quản lý của nông nghiệp, nông thôn, cơ chế quản lý hợp tác xã, cũng như liên kết giữa các địa phương, vùng miền để có động lực quản lý nhà nước tốt hơn, cao hơn. Khi có sự phối hợp giữa các địa bàn, địa phương, giữa các ngành nghề tốt hơn thì lúc đó khu vực tam nông mới phát triển mạnh mẽ.

PV: Xin cảm ơn ông!