Ngành Tài chính nỗ lực thúc đẩy mục tiêu Net Zero vào năm 2050

Ngành thép chiếm khoảng 17% tổng lượng khí thải cả nước

Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, hiện cả nước có 1.912 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Theo quy định, đến năm 2024, các đơn vị, cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31/3, kể từ năm 2025.

Ngành thép là một trong những ngành công nghiệp cơ bản ở Việt Nam vì sản phẩm của ngành này là nguyên liệu đầu vào cho nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, liên quan đến hậu cần (đóng tàu và vỏ container), ô tô, thiết bị gia dụng, cơ khí và các ngành khác. Mặt khác, ngành thép là một trong những ngành phát thải nhiều nhất ở Việt Nam. Ước tính ngành thép sẽ thải ra khoảng 122,5 triệu tấn CO2 vào năm 2025 và khoảng 132,9 triệu tấn vào năm 2030, chiếm khoảng 17% tổng lượng khí thải của cả nước.

Xanh hóa hoạt động ngành thép để đạt mục tiêu net-zero
Ngành thép là một trong những ngành phát thải khí nhà kính nhiều nhất ở Việt Nam. Ảnh: TL

Đồng thời, từ 1/10/2023, các doanh nghiệp thép xuất khẩu sang EU phải thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu, trước mắt là thực hiện báo cáo kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính. Vì vậy, giảm thiểu và báo cáo phát thải khí nhà kính ngày càng trở nên quan trọng đối với các công ty thép ở Việt Nam để đáp ứng các quy định ngày càng chặt chẽ nhằm hướng đến mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 và yêu cầu khắt khe về thép có hàm lượng carbon thấp của người mua cuối trong chuỗi giá trị.

Ông Chu Đức Khải - Chủ tịch Hội Đúc và luyện kim Việt Nam cho biết, từ 2018-2020, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án Chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường carbon. Một trong các nội dung của dự án là tính toán phát thải CO2 của ngành thép Việt Nam trong năm 2018 thông qua 13 nhà máy thép tiêu biểu.

Kết quả khảo sát của dự án cho thấy, khoảng cách giữa cường độ phát thải CO2 trên 1 tấn thép phôi của Việt Nam so với chuẩn thế giới là khá lớn (của thế giới là 1,9 của Việt Nam là 2,17). Điều này đặt ra thách thức rất lớn với ngành thép khi trong giai đoạn 2023-2024, ngành này phải hoàn thành kiểm kê khí nhà kính theo chuẩn của thế giới cùng với đó là cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (net-zero) của Việt Nam vào năm 2050.

Xanh hóa hoạt động sản xuất kinh doanh

Trả lời câu hỏi ngành thép Việt Nam phải làm gì để đạt được mục tiêu net-zero vào 2050, ông Chu Đức Khải cho rằng, chi phí quyền phát thải carbon ngày càng tốn kém, xu thế giảm phát thải khí nhà kính là chủ đạo trong tương lai nên vấn đề cấp thiết của các doanh nghiệp ngành thép là xanh hóa các hoạt động của mình.

Để xanh hóa, trước mắt, các doanh nghiệp thép cần kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu của Bộ Công thương và CBAM nếu muốn xuất khẩu sang EU. Các doanh nghiệp cần áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn BAT/BEP (các phương pháp kỹ thuật trong quá trình sản xuất để hạn chế phát thải các chất gây ô nhiễm) trong dây chuyền công nghệ, trước mắt theo hướng dẫn của EU với 95 BAT cho ngành sản xuất gang thép, được phân bố theo các loại phát thải: khí thải, nước thải, năng lượng… nhằm giảm tiêu hao năng lượng bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Khải cũng lưu ý tới giải pháp lưu trữ carbon và cho biết, trên thế giới đã có 30/146 dự án lưu trữ carbon quy mô thương mại đang vận hành với công suất 42,5 Mtpa. “Việt Nam hoàn toàn có điều kiện thuận lợi và có tiềm năng rất cơ bản vì có khai thác dầu, khoáng sản. Các mỏ dầu, khoáng sản đã khai thác chính là nơi có thể lưu trữ carbon. Tận dụng một trong số các đường ống dẫn dầu tại các mỏ đã khai thác là giải pháp để lưu trữ carbon” - ông Khải khẳng định.

Đại diện cho đơn vị tư vấn, ông Mã Khai Điền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng Enerteam, cho rằng tiềm năng giảm phát thải trong ngành thép Việt Nam vẫn cao và có tính khả thi để thực hiện. Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư, ứng dụng công nghệ BAT để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng, giảm khí nhà kính góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, theo ông Điền, cần có sự hỗ trợ, động viên từ phía Chính phủ và các cơ quan liên quan như: xây dựng và cập nhật định mức năng lượng (MEPS), phát thải ngành thép và áp dụng hướng dẫn kỹ thuật; nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp xác định và hiểu rõ các công nghệ giảm phát thải phù hợp để áp dụng vào hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời, cần đẩy mạnh hỗ trợ tài chính “xanh và sạch” để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và mạnh dạn áp dụng các công nghệ giảm phát thải, BAT.

Ra mắt sổ tay hướng dẫn báo cáo về phát thải khí nhà kính

Vào tháng 8/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế IFC cho ra mắt sổ tay hướng dẫn báo cáo về phát thải khí nhà kính nhằm giúp các doanh nghiệp, các tổ chức thực hiện kiểm kê báo cáo phát thải khí nhà kính được dễ dàng hơn và giúp cho các doanh nghiệp đáp ứng được các quy định của pháp luật.