Lấy hiện đại hóa mô hình quản lý làm trọng tâm

Kế thừa, phát huy, lan tỏa các kết quả, thành tựu đạt được trong cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan thời gian qua, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã xác định mục tiêu, định hướng và giải pháp có tính lâu dài, nhất quán, đổi mới mạnh mẽ đáp ứng với yêu cầu phát triển chung của đất nước, với sự tham gia của các bộ, ngành và các địa phương có liên quan đến hoạt động hải quan.

Yêu cầu, quan điểm phát triển bao trùm, toàn diện xác định trong Chiến lược trước tiên là phát triển hải quan phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước; tuân thủ các quy định của pháp luật; đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chương trình cải cách nền hành chính nhà nước; theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế về phát triển hải quan; thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nguồn: Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.   						     Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Đồ họa: Hồng Vân

Bên cạnh đó, phát triển hải quan nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, chống buôn lậu và gian lận thương mại hiệu quả; thực thi đầy đủ, toàn diện các cam kết quốc tế về thuế xuất nhập khẩu, hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam đã ký kết; ứng phó hiệu quả với các thay đổi liên quan tới các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đặc biệt, việc phát triển hải quan trong thời gian tới được Chính phủ xác định trên cơ sở kế thừa, phát triển các thành tựu cải cách, hiện đại hóa đã đạt được, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý nhà nước về hải quan; lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan, làm nền tảng cho phát triển hải quan trong thời kỳ mới.

Song hành với đó sẽ là tập trung đầu tư để hiện đại hóa hải quan tại các vùng, địa bàn trọng điểm, đồng thời có tính đến sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng, địa bàn đảm bảo sự phát triển, hiện đại hóa chung của Hải quan Việt Nam; kết hợp phát huy nội lực là chính, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ bên ngoài để phát triển nhanh, bền vững.

Tinh gọn bộ máy, phát triển nguồn nhân lực

Để cụ thể hóa mục tiêu đặt ra, ngành Hải quan xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030.

Đầu tiên chính là tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Các quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có sự gắn kết thống nhất. Quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, chống thất thu, gian lận thuế. Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục thông quan, giải phóng hàng.

Nhiệm vụ tiếp theo là tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan,…

Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hải quan tập trung, hiện đại

Theo Chiến lược, từ nay đến năm 2030, ngành Hải quan sẽ phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hải quan tập trung, tích hợp thông minh, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc chính phủ điện tử, chính phủ số, chuẩn mực quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng hệ thống nhằm tập trung hóa tối đa xử lý thủ tục hành chính, kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các đơn vị liên quan.

Không kém phần quan trọng là nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan hiện đại với phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan truyền thống nhằm chủ động, phòng ngừa từ xa, từ sớm.

Về tổ chức bộ máy hải quan, Chiến lược đặt ra nhiệm vụ cơ cấu tinh gọn hợp lý, giảm đầu mối trung gian; phát triển nguồn nhân lực tinh thông nghiệp vụ, liêm chính, chuyên nghiệp. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới; thực hiện hiệu quả Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.