Đánh giá lại các quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công |
Quy định cho phù hợp với các luật liên quan
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ. Nghị định đã quy định đầy đủ về quy trình quản lý dự án sử dụng vốn ĐTC (từ khâu giao kế hoạch vốn hàng năm đến khâu thanh toán, quyết toán dự án), rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan, đảm bảo quản lý chặt chẽ, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và góp phần đẩy nhanh được tiến độ giải ngân vốn ĐTC.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, việc quản lý, thanh toán vốn ĐTC có đặc điểm được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới các thủ tục, nguyên tắc, hồ sơ pháp lý, kiểm soát thanh toán của dự án. Do vậy, khi những văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu được thay đổi (như: Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu,…), việc đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ là cần thiết và có căn cứ pháp lý...
Việc quản lý, thanh toán vốn ĐTC có đặc điểm được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới các thủ tục, nguyên tắc, hồ sơ pháp lý, kiểm soát thanh toán của dự án. Do vậy, khi những văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu được thay đổi, việc đề xuất xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ là cần thiết và có căn cứ pháp lý. |
Từ thực tiễn này, theo Bộ Tài chính, cần bổ sung mở rộng phạm vi của Nghị định số 99/2021/NĐ-CP đối với các nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch ĐTC trung hạn. Bên cạnh đó, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng cũng có nhiều điểm mới liên quan đến vấn đề này.
Cũng theo Bộ Tài chính, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ có quy định, cơ quan kiểm soát, thanh toán thực hiện kiểm soát theo từng lần tạm ứng, thanh toán trên cơ sở hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật có liên quan do chủ đầu tư thực hiện và cung cấp.
Tuy nhiên, các hồ sơ pháp lý, thanh toán, đặc biệt là toàn bộ hợp đồng, phương án giải phóng mặt bằng chiếm khối lượng lớn và chứa nhiều nội dung có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, không thuộc chức năng, nhiệm vụ kiểm soát của cơ quan kiểm soát, thanh toán. Điều này cũng gây khó khăn cho chủ đầu tư trong quá trình gửi hồ sơ và nhiều bất cập trong thực hiện dịch vụ công điện tử hóa toàn phần.
Thực tế trên cho thấy, việc quy định nhằm đơn giản hóa hồ sơ quản lý, thanh toán, trên nguyên tắc phân cấp đến chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về tính pháp lý của các thông tin cung cấp tại hồ sơ thanh toán gửi cơ quan kiểm soát, thanh toán là cần thiết. Điều này sẽ giúp giảm tải yêu cầu phải cung cấp và lưu trữ hồ sơ, phù hợp với lộ trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy Kho bạc Nhà nước, đảm bảo minh bạch, đúng quy định và đẩy nhanh tiến độ kiểm soát, thanh toán, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số và tiến tới mục tiêu thanh toán điện tử 100%.
Nhiều quy định thuận lợi hơn cho việc thanh toán, quyết toán
![]() |
Ảnh minh họa |
Từ thực tiễn nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Nghị định riêng thay thế các nội dung về quản lý, thanh toán, quyết toán niên độ ngân sách đối với dự án sử dụng vốn ĐTC tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn. Dự thảo Nghị định đã được Bộ Tài chính hoàn thiện và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương.
Mục tiêu hướng đến là thanh toán trực tuyến 100%, đơn giản hóa thủ tục phải gửi cơ quan Kho bạc Nhà nước, đẩy mạnh số hóa quy trình kiểm soát, rõ phạm vi kiểm soát thanh toán của cơ quan Kho bạc Nhà nước, triệt để phân cấp quản lý cho bộ chủ quản, chủ đầu tư trong quy trình triển khai thực hiện, giải ngân các dự án nhằm nhanh nhất giải phóng nguồn lực đầu tư công.
Theo đó, dự thảo Nghị định đã quy định nguyên tắc thanh toán, hồ sơ pháp lý gửi kho bạc, hồ sơ thanh toán, tạm ứng, biểu mẫu kiểm soát theo hướng gắn với trách nhiệm trực tiếp và toàn diện của chủ đầu tư/ban quản lý dự án, đơn giản hóa thủ tục phải gửi cơ quan Kho bạc Nhà nước, đẩy mạnh số hóa quy trình kiểm soát, rõ phạm vi kiểm soát thanh toán của cơ quan Kho bạc Nhà nước.
Bộ Tài chính đề xuất hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách tại dự thảo Nghị định như: Quy định chung; quản lý, thanh toán vốn ĐTC; quyết toán vốn ĐTC nguồn ngân sách nhà nước theo năm ngân sách (quyết toán theo niên độ); ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm tra; trách nhiệm của các cơ quan liên quan… |
Đồng thời, dự thảo đã bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý để phù hợp với những điểm mới của Luật Đất đai số 31/2024/QH15; Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15; Luật Xây dựng; Luật Đầu tư công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật trong lĩnh vực tài chính. Xây dựng khuôn khổ pháp lý về hệ thống thông tin trong lĩnh vực tài chính đầu tư công.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã đề xuất hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách tại dự thảo Nghị định như: Quy định chung; quản lý, thanh toán vốn ĐTC; quyết toán vốn ĐTC nguồn ngân sách nhà nước theo năm ngân sách (quyết toán theo niên độ); ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm tra; trách nhiệm của các cơ quan liên quan…/.