Để người nghèo không nghèo hơn vì bất động sản

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải, quy định tại Điều 8 còn rất mỏng, chưa xứng tầm trong khi thị trường bất động sản nhiều năm trở lại đây thường xuyên có những chu kỳ sốt nóng hay đóng băng, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.

Đại biểu nhấn mạnh, cử tri mong muốn sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này “làm sao để xóa bỏ được tư duy không buôn gì lãi bằng buôn đất” và “làm sao để cho người nghèo không nghèo hơn vì bất động sản, làm sao để cho thế hệ sau của chúng ta không vô vọng với ước mơ có được căn nhà của mình”. Để làm được điều này, cần phải có chính sách cụ thể điều tiết thị trường cùng với các luật khác liên quan.

Xóa bỏ tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam)

Do đó, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải đề nghị cơ quan soạn thảo đầu tư nhiều hơn vào Điều 8, thể chế hóa đầy đủ hơn các chủ trương của Đảng cũng như thực tiễn yêu cầu. Trong đó, đại biểu nêu rõ chính sách của Nhà nước đối với thị trường này phải đảm bảo 4 yếu tố.

Thứ nhất là tính ổn định của chính sách. Thứ hai, tạo được sự thuận lợi, thông thoáng để có động lực đầu tư vào lĩnh vực này. Thứ ba là phải điều tiết lại cơ cấu phân khúc nhà ở, vốn đang bị mất cân đối khi phân khúc nhà ở cao cấp quá nhiều, gây ra “cục máu đông”, trong khi nhà ở cho công nhân còn chưa được đầu tư đúng mức. Yếu tố thứ tư là quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản ứng phó kịp thời, chủ động với tình trạng nóng lạnh của thị trường.

Đánh giá các khoản trong Điều 8 còn rất chung chung, mang tính chất khẩu hiệu, chưa có những chính sách cụ thể, đại biểu đề nghị phải cụ thể hóa hơn. Lấy ví dụ từ chính sách điều tiết thị trường của Singapore, đại biểu cho biết Singapore dùng công cụ thuế, theo đó khi mua căn nhà thứ hai thì phải nộp 7% giá trị, mua căn thứ ba nộp 10%, mua căn nhà đầu tiên mà chuyển nhượng ngay trong năm đầu tiên thì phải nộp 16%, chuyển nhượng ở năm thứ hai nộp 10%, năm thứ ba chuyển nhượng nộp 6%... Điều này góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ và giúp Singapore điều tiết tốt hơn thị trường bất động sản.

Đề xuất cụ thể hóa chính sách kiểm soát giá bất động sản

Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (đoàn TP. Hà Nội) cũng nêu quan điểm cần có các chính sách về quản lý, kiểm soát giá cả bất động sản.

Theo đại biểu, giá bất động sản, đặc biệt là giá đất có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Giá bất động sản không chỉ ảnh hưởng đối với những người thu nhập thấp thông qua thuê, mua bất động sản mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến môi trường đầu tư và làm cho môi trường đầu tư kém hấp dẫn. Vì vậy mặc dầu cho rằng phải tôn trọng quy luật thị trường, song đại biểu đề nghị cụ thể hóa các chính sách quản lý giá cả bất động sản, làm rõ hơn tính chủ động và trách nhiệm của cơ quan quản lý trong vấn đề này, không để khi xảy ra các biến động lớn mới điều tiết thị trường.

Xóa bỏ tư duy “không buôn gì lãi bằng buôn đất”
Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh)

Nhằm góp phần điều tiết giá cả bất động sản, giải pháp đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) đề xuất phải quy định chặt hơn về bất động sản hình thành trong tương lai. Mặc dù xuất phát điểm quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp huy động được trước tiền của người mua, còn người mua có cơ hội mua nhà giá rẻ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai đã gây nhiễu loạn thông tin, nhiễu loạn giá cả.

“Việc mua đi, bán lại của những người tham gia thị trường đẩy giá tăng cao rồi lại giảm xuống bất thường, gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản cũng như xã hội, chưa kể đến những dự án ma vẽ trên giấy hoặc những vụ lừa đảo liên quan đến phân lô bán nền cũng bắt nguồn từ nhiều dự án bất động sản hình thành trong tương lai” - đại biểu nêu rõ.

Mặc dù dự thảo luật lần này đã quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện, về giấy tờ pháp lý, đặt cọc hay bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, song đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ lưu ý chưa có quy định về giới hạn kinh doanh hay mua bán trên thị trường thứ cấp, tác nhân gây nhiễu loạn giá trên thị trường. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm một điều quy định về giới hạn giao dịch về bất động sản hình thành trong tương lai nhằm góp phần điều tiết và bình ổn thị trường bất động sản, và có thể kiểm soát thông qua phòng công chứng.

Điều 8. Chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh bất động sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ và từng địa bàn.

2. Nhà nước khuyến khích và có chính sách miễn, giảm thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng ưu đãi cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án được ưu đãi đầu tư.

3. Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi của dự án; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi của dự án đối với dự án được ưu đãi đầu tư.

4. Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư dự án dịch vụ công ích đô thị, công trình hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.

5. Nhà nước có cơ chế, chính sách điều tiết thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng.