Yêu cầu ngày càng khắt khe, nhiều “hàng rào” thương mại

Hiện Việt Nam đang là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong Asean, chiếm 44% tổng kim ngạch Canada nhập khẩu từ khu vực và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada trong nhóm 40 quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thực tế cho thấy, nước ta đã khai thác rất hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tăng tốc hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Canada trong năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, giảm 11,2%, tương đương với mức giảm gần 700 triệu USD so với năm 2022.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê Canada vừa công bố ngày 8/2/2024, tính cả năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 9,82 tỷ USD vào Canada, giảm nhẹ 0,4% so với năm 2022. Đây là số liệu tính cả luồng trung chuyển nhập khẩu qua Hoa Kỳ vào Canada. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu và có mức tăng trưởng nhanh sang Canada thời gian qua bao gồm sắt thép, máy móc, thiết bị điện, hàng may mặc; giày dép; nội thất, đồ gỗ...

Đáng chú ý, tính từ đầu năm 2024 đến nay, Top 2 nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng dương là điện tử, điện thoại di động tăng 11,6% và lò phản ứng nồi hơi tăng 63,9%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng khác vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt như túi xách (3,9%), ô tô phụ tùng (59%), tàu thuỷ (218%)…

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng xuất khẩu sang Canada thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhận định, cơ hội cho hàng Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang thị trường này là rất lớn dựa trên tiềm năng và nền tảng đã, đang khai thác tốt CPTPP. Ngoài được hưởng ưu đãi CPTPP, hàng Việt còn được hưởng cả ưu đãi theo form MFN và GSP.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều áp lực từ yêu cầu khắt khe và các “hàng rào” thương mại doanh nghiệp xuất khẩu Việt phải đối mặt. Trong khi nhiều doanh nghiệp cho hay vẫn bị “khát” thông tin về thị trường, thị hiếu tiêu dùng cũng như các chính sách ưu đãi xuất khẩu và các biện pháp phòng vệ thương mại của Canada.

“Canada đang hướng đến tăng cường thực hiện nhiều chính sách giám sát và siết chặt quản lý với hàng nhập khẩu để bảo vệ thị trường nội địa. Dự kiến trong thời gian tới, Canada sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều tra với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam” - đại diện Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ.

Xuất khẩu sang Canada đối mặt nhiều thách thức
Canada đã khởi xướng điều tra 8 vụ việc phòng vệ thương mại đối với thép Việt Ảnh: TU

Mới đây nhất, ngày 6/3, Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) có cảnh báo về nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng dây thép Việt. Được biết, tính đến nay, Canada đã khởi xướng điều tra 8 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép của Việt Nam, trong đó có 5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc chống trợ cấp và 1 vụ việc tự vệ.

Trước tình hình đó, thời gian tới, Bộ Công thương cho hay sẽ tiếp tục cập nhật một cách kịp thời và đầy đủ thông tin cũng như là tăng cường nghiên cứu về thị trường Canada. Trong đó, chú trọng nghiên cứu về các chính sách kinh tế, quy định đối với hàng hóa nhập khẩu; cơ hội đầu tư kinh doanh và thông tin về sở thích, tập quán, nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng…cho doanh nghiệp Việt Nam.

Mượn "cửa ngõ" Canada để tiếp cận thị trường Bắc Mỹ

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới, còn nhiều dư địa - là chìa khóa vàng để đẩy mạnh xuất khẩu. Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc khai tác tiềm năng của Canada, mà còn coi thị trường này là "cửa ngõ" để tiếp cận thị trường Bắc Mỹ. “Bắc Mỹ tuy có quy mô dân số nhỏ, khoảng 40 triệu dân nhưng là thị trường nhập khẩu khá lớn và đây là cơ hội không nên bỏ qua để tăng trưởng xuất khẩu nước ta thời gian tới”, đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) chia sẻ thêm.

Các nước Bắc Mỹ thành viên CPTPP là thị trường có rất nhiều tiềm năng và các dư địa cho các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, hiện tại thị trường Bắc Mỹ đang có xu hướng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam rất lớn, nhờ uy tín và thương hiệu mà hàng Việt đã xây dựng được tại thị trường Canada, Mỹ… Doanh nghiệp có thể tận dụng các đối tác làm ăn đã có sẵn để xúc tiến thương mại, mở rộng đối tác, tạo nên quỹ đạo cùng hợp tác và phân phối hàng hóa rộng khắp tại các nước Bắc Mỹ.

Xuất khẩu sang Canada đối mặt nhiều thách thức
Nông sản Việt có nhiều tiềm năng xuất khẩu vào Bắc Mỹ. Ảnh: TL

Theo bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, doanh ghiệp Việt có thể sản xuất gia công, sản xuất theo nhãn hàng của các chuỗi siêu thị và các nhà nhập khẩu phân phối lớn của thế giới là phương cách để hàng Việt tiếp cận thị trường một cách bền vững và có đơn hàng ổn định.

Tuy nhiên, đó chỉ là một cách trong ngắn hạn. Về lâu dài, doanh nghiệp Việt cần lưu ý, một số thị trường tại Bắc Mỹ tập trung nhập các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam như trà, cà phê, thủy sản…để làm nguyên liệu để đóng nhãn mác thành sản phẩm của họ. Do đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam nên hợp tác với doanh nghiệp sở tại Canada đã có sẵn mối quan hệ với hệ thống phân phối. Khi đó hệ thống phân phối sẽ hoàn thiện các quy trình thương mại hóa cho sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Canada cũng như Bắc Mỹ, tạo ra đòn bẩy cho nhiều chủng loại sản phẩm khi xâm nhập thị trường một cách dễ dàng hơn.

Còn theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt nên đẩy mạnh xuất khẩu dựa vào thương mại điện tử. Đây là bàn đạp rất hữu hiệu để xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ. Đồng thời, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cũng cần có biện pháp hiệu quả ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại đang gia tăng tại đây./.

Trong thời gian qua, các doanh nghiệp của Việt Nam phải đối mặt với tình trạng mắc bẫy lừa đảo khi xuất khẩu hàng hóa sang Canada. Phương thức lừa đảo phổ biến là một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao, có danh tiếng của Canada, sau đó, dùng tên của các chủ doanh nghiệp này để đi lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam, với những hình thức chủ yếu như gọi điện trực tiếp hoặc qua email, Whatsapp, viber. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này cần hết sức thận trọng, nên chủ động bám sát, cập nhật thông tin thị trường để có chiến lược xuất khẩu hợp lý, hiệu quả và biện pháp xử lý kịp thời khi phát sinh các sự cố.