Xuất khẩu Việt Nam khởi sắc trong thách thức
Khi xuất khẩu cần tính toán đến lợi thế tuyệt đối và lợi thế cạnh tranh. Ảnh tư liệu

PV: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua 10 tháng năm 2024 cho thấy sự phục hồi rõ nét, tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Ông có nhận định gì về sự phục hồi này?

Xuất khẩu Việt Nam khởi sắc trong thách thức

TS. Lê Duy Bình: Xuất khẩu Việt Nam từ đầu năm đến nay tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Việt Nam. Điều này cho thấy, sức chống chọi của nền kinh tế Việt Nam đã gia tăng và khả năng linh hoạt, thích ứng của doanh nghiệp Việt cũng được cải thiện.

Những thị trường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ lớn của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước ASEAN,… cũng cho thấy động lực tăng trưởng xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Việt Nam xuất siêu rất lớn, góp phần củng cố nguồn cung ngoại tệ trên thị trường Việt Nam. Điều này, cùng nhiều yếu tố khác, đã hỗ trợ đảm bảo sự ổn định về mặt tỷ giá, góp phần ổn định các chỉ số lớn của nền kinh tế.

Một cách ngắn gọn, sự phục hồi hoạt động xuất khẩu này đã đóng góp trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay ở 2 phương diện:

Một là, XNK gia tăng góp phần tăng tổng cầu nền kinh tế, đặc biệt là nhờ mức xuất siêu tương đối lớn.

Hai là, sự phục hồi của hoạt động XNK đã đóng góp mạnh mẽ cho sự phục hồi của ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam. Nhờ đó, giúp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam phục hồi về mặt doanh số, doanh thu, lao động, lợi nhuận trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, có một số điểm đáng lưu ý, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào XNK, đây vừa là điểm mạnh, nhưng cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế cũng phụ thuộc nhiều vào những biến động của thị trường toàn cầu. Điều này đặt ra một bài toán là cần được giải đó là làm sao để tăng tổng cầu trong nước, đặc biệt là tiêu dùng nội địa. Phải làm sao hài hòa giữa hoạt động XNK với cầu nội địa trong nước.

Hơn nữa, XNK của Việt Nam chủ yếu là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Vậy nên, doanh số XNK của doanh nghiệp trong nước mới chỉ chiếm khoảng hơn 20%, phần lớn còn lại là của doanh nghiệp FDI. Do đó, cũng cần có giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò cao hơn nữa trong hoạt động XNK của nền kinh tế.

PV: Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng đề án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) trong 6 tháng đầu năm 2025. Vậy theo ông, đề xuất này liệu có góp làm hài hoà giữa hoạt động XNK với cầu nội địa trong nước thời gian tới?

TS. Lê Duy Bình: Mặc dù, việc giảm thuế, phí sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), nhưng trong bối cảnh hiện nay, sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giảm thuế sẽ khoan sức dân, cải thiện đời sống, tăng chi tiêu cho sản xuất và tiêu dùng; qua đó góp phần tăng tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ đó, cũng sẽ có một số tác động đến hoạt động XNK thời gian tới.

Tuy nhiên, về lâu dài cũng cần cân nhắc về việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT. Thuế GTGT là một sắc thuế quan trọng đảm bảo tính bền vững và tính lành mạnh của thu NSNN. Giảm thuế GTTT trong thời gian dài sẽ khiến thị trường luôn có tâm lý trông chờ vào việc giảm thuế. Nó cũng ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách và từ đó giảm chi tiêu của Chính phủ vốn cũng là một cấu phần quan trọng của tổng cầu, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn rất thiếu các nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho các khoản chi về an sinh xã hội, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ hay môi sinh, môi trường.

PV: Thống kê 10 tháng năm 2024 cho thấy, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Vậy theo ông thời gian tới xuất khẩu Việt Nam sẽ ra sao, đặc biệt sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng?

TS. Lê Duy Bình: Đúng vậy, hiện nay Mỹ được xem là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong nhiệm kỳ trước, Tổng thống Trump luôn tìm cách áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để giảm bớt nhập siêu.

Hơn nữa, Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của chúng ta vào nước này tiếp tục đối diện với nguy cơ bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp.

Các biện pháp bảo vệ liên quan đến an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng sẽ được kiểm soát chặt chẽ, khắt khe hơn. Điều này có thể khiến các nhà xuất khẩu của Việt Nam tăng chi phí sản xuất và kiểm tra hàng hóa. Các chính sách này cũng có thể khiến cạnh tranh gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia khác.

PV: Đối diện với những thách thức trên, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt nên làm gì, thưa ông?

TS. Lê Duy Bình: Trước hết, các doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan cần phải có sự chuẩn bị tài liệu, hồ sơ phục vụ điều tra, chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa,... để sẵn sàng đối diện với các vụ điều tra chống bán phá giá, nếu có.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần linh hoạt, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu song song việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Sử dụng nhiều hơn nguồn nhiên liệu trong nước để cung ứng cho hoạt động xuất khẩu.

Khi xuất khẩu chúng ta cần tính toán đến lợi thế tuyệt đối và lợi thế cạnh tranh. Những lợi thế mà chúng ta có trước đây như lao động giá rẻ, tài nguyên thì dần dần sẽ không còn nữa. Vậy nên, chúng ta sẽ phải cạnh tranh bằng những giá trị khác nữa như hàm lượng chất xám, hàm lượng đổi mới trong sản phẩm, chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng của sản phẩm, mức độ đáp ứng về trách nhiệm xã hội, tăng trưởng xanh…

PV: Xin cảm ơn ông!

Hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô

Xuất nhập khẩu (XNK) phục hồi trong bối cảnh những chỉ số lớn của nền kinh tế tương đối ổn định. Hoạt động XNK vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, đồng thời hỗ trợ cho sự ổn định nền kinh tế vĩ mô và sự uyển chuyển trong điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tiền tệ, tài khóa đảm bảo sự ổn định của lãi suất, tỷ giá hối đoái cũng hỗ trợ ngược lại cho hoạt động XNK.