Tốc độ tăng và mức tăng hiếm thấy

Theo số liệu của cơ quan hải quan, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 11 tháng năm nay đã tăng 22,9%, hay tăng 112,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước - đó là tốc độ tăng và mức tăng hiếm thấy trong cùng kỳ cũng như cả năm của các năm trước.

Xuất nhập khẩu hàng hóa liên tiếp lập kỷ lục mới

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay. Mới qua 11 tháng, quy mô kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã lớn hơn quy mô của cả năm 2020 (301,73 tỷ USD so với 282,63 tỷ USD). Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng năm nay đã tăng 18,3%, hay tăng 46,68 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, cũng là tốc độ tăng và mức tăng hiếm thấy so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Mới qua 11 tháng, đã có 34 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 7 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD (điện thoại, linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép).

Tăng trưởng đạt được ở cả 2 khu vực. Khu vực kinh tế trong nước đạt tốc độ tăng khá (11,8%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao hơn (20,8%).

Cùng với xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu cũng đạt quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Mới qua 11 tháng, quy mô kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đã lớn hơn quy mô của cả năm 2020 (300,27 tỷ USD so với 262,69 tỷ USD).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm nay đã tăng 27,9%, hay tăng 65,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Đó là tốc độ tăng và mức tăng thuộc loại lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, có một phần quan trọng để bù đắp hoặc đề phòng có thể lại rơi vào trạng thái bị “đứt gãy” nguồn cung từ nước ngoài; một phần do giá cả nhập khẩu và đề phòng có thể còn cao hơn nữa.

Tăng trưởng nhập khẩu so với cùng kỳ đạt được ở tất cả các mặt hàng chủ yếu; trong đó có 16 mặt hàng tăng có mức rất cao (trên 1 tỷ USD). Trong đó có máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; sắt thép; điện thoại, linh kiện; chất dẻo nguyên liệu; hạt điều; ô tô nguyên chiếc... Mới qua 11 tháng, đã có 44 mặt hàng chủ yếu có kim ngạch trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 6 mặt hàng trên 10 tỷ USD.

Giá nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như phế liệu sắt thép tăng 65,7%; quặng và khoáng sản khác tăng 57,7%; dầu thô tăng 57,7%; sắt thép tăng 53,4%; khí đốt hóa lỏng tăng 50,2%; xăng dầu tăng 47,2%; hạt điều tăng 33,7%,… Nhập khẩu tăng cao, ngoài nguyên nhân về giá, còn có các nguyên nhân khác. Có nguyên nhân cơ bản do công nghiệp hỗ trợ còn yếu, tính gia công lắp ráp còn cao. Có nguyên nhân do một số nước và vùng lãnh thổ gian lận “xuất xứ”, thậm chí còn lạm dụng doanh nghiệp Việt Nam để “tiêu thụ hộ”, “xuất khẩu giùm”.

Với kết quả trên, sau nhiều năm xuất siêu và sau mấy tháng gần đây xuất siêu (11 tháng xuất siêu hơn 1,25 tỷ USD), tính chung 11 tháng đã xuất siêu 1,458 tỷ USD, nhưng thấp xa so với cùng kỳ (20,284 tỷ USD).

Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nhập siêu, so với cùng kỳ năm trước và tăng cả về mức tuyệt đối (23,65 tỷ USD so với 12,65 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (29,8% so với 17,8%) do nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu (23,2% so với 11,8%), do tỷ trọng của nhập khẩu cao hơn của xuất khẩu (34,4% so với 26,3%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu, nhưng thấp hơn cả về mức tuyệt đối (25,16 tỷ USD so với 32,94 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (11,3% so với 17,9%), do nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu (30,5% so với 20,8%).

Xuất, nhập khẩu hàng hóa sẽ cán mốc 655 tỷ USD

Xuất khẩu cả năm 2020 đạt 282,63 tỷ USD, trong đó 11 tháng đạt 255,06 tỷ USD, tháng 12 đạt 27,57 tỷ USD. Nếu tháng 12/2021 đạt bằng tháng 11 đạt 31,87 tỷ USD (tăng 15,6% cùng kỳ) thì cả năm 2021 đạt xấp xỉ 334 tỷ USD (tăng 18,1%, hay tăng 51,4 tỷ USD so với năm 2020).

Nhập khẩu cả năm 2020 đạt 262,69 tỷ USD, trong đó 11 tháng đạt 234,77 tỷ USD, tháng 12 đạt 27,92 tỷ USD. Nếu tháng 12/2021 bằng tháng 11 là 30,61 tỷ USD (tăng 9,6% so với cùng kỳ) thì cả năm 2021 đạt 331 tỷ USD (tăng 26%, hay tăng 68,3 tỷ USD so với năm 2020).

Xuất siêu trong cả năm 2021 sẽ khoảng 3 tỷ USD (năm 2020 xuất siêu xấp xỉ 20 tỷ USD).

Như vậy, tổng cộng xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả năm 2021 sẽ là 655 tỷ USD, tăng 21,9% hay tăng gần 119,7 tỷ USD so với năm 2020. Đó là tốc độ tăng và mức tăng thuộc loại cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ xuất + nhập khẩu/GDP dự ước thuộc loại cao nhất từ trước đến nay; nếu so với GDP đánh giá lại cũng cao hơn năm trước - thể hiện độ mở rộng và tăng lên của Việt Nam.

Tăng trưởng đạt được ở hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ yếu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, có 10 mặt hàng xuất khẩu có mức tăng rất cao (trên 1 tỷ USD), lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10 tỷ USD; sắt thép tăng 6,14 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 5,24 tỷ USD; điện thoại, linh kiện tăng 5,36 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 2,33 tỷ USD; dệt may 2,16 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện 1,65 tỷ USD; xơ, sợi dệt 1,77 tỷ USD; phương tiện vận tải, phụ tùng 1,33 tỷ USD; sản phẩm từ chất dẻo 1,14 tỷ USD.