Agribank góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh
Agribank luôn ưu tiên nguồn vốn cho dự án năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Thanh Bình

Tiên phong cấp tín dụng ưu đãi cho “nông nghiệp sạch”

Việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong tổ chức hoạt động kinh doanh đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu rủi ro và tăng cơ hội kinh doanh, phát triển sản phẩm dịch vụ.

Đại diện Agribank cho biết, trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Từ năm 2016, Agribank đã bắt đầu triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “nông nghiệp sạch”, với quy mô vốn tối thiểu 50 nghìn tỷ đồng dành cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại...; tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn, với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Agribank.

Cùng với đó, Agribank đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hỗ trợ tín dụng đối với Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 và đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Agribank mở rộng đầu tư cho vay các dự án liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ như: nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng, điện gió; điện mặt trời; cung cấp tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Tây Nguyên...

Với những hoạt động đã và đang triển khai, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank có sự tăng trưởng ổn định qua từng năm, tỷ trọng tài trợ dự án xanh trong tổng dư nợ tín dụng của Agribank tăng từ 0,9% năm 2020 lên 1,8% năm 2023. Tính đến 31/12/2023, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt 28.277 tỷ đồng, với 42.883 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt 14.939 tỷ đồng, chiếm 53% tổng dư nợ tín dụng xanh, tiếp đến là lĩnh vực lâm nghiệp bền vững đạt 6.926 tỷ đồng, chiếm 24% tổng dư nợ tín dụng xanh; thứ ba là lĩnh vực nông nghiệp xanh với dư nợ 6.175 tỷ đồng, chiếm 22% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Agribank cho biết, xét về số lượng khách hàng vay vốn, lĩnh vực lâm nghiệp bền vững chiếm tỷ lệ cao nhất với 99% tổng số khách hàng (41.909 khách hàng), giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, các dự án cho vay với giá trị lớn chủ yếu lại thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Nhìn chung, Agribank đã chủ động tổ chức triển khai thực hành ESG tuân thủ theo quy định pháp luật Việt Nam và NHNN, chủ động cam kết và từng bước triển khai ESG, tích cực triển khai các hoạt động xã hội, vì cộng đồng, quản trị rủi ro và thực hiện tài chính toàn diện.

Góp phần “xanh hóa” ngành Ngân hàng

Agribank ưu tiên cho vay các dự án nông nghiệp công nghệ cao

TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ, kiêm Phó Trưởng ban chỉ đạo ESG Agribank, cho biết để triển khai ESG đồng bộ, hiệu quả, hạn chế được khó khăn, vướng mắc, thời gian tới Agribank cần tích hợp tiêu chuẩn ESG trong chiến lược kinh doanh của Agribank, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cơ cấu tổ chức để triển khai ngân hàng ESG hiệu quả.

Triển khai áp dụng ESG toàn diện và hiệu quả trong hệ thống Agribank, bao gồm: xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi phát triển bền vững, thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững; xây dựng bộ chính sách ESG (Chính sách phát triển bền vững; khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, công bố thông tin về cam kết triển khai ESG…); hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan, thành lập bộ phận chuyên trách về phát triển bền vững.

Đồng thời, Agribank triển khai các hoạt động về tín dụng xanh, hướng tới chuẩn mực quốc tế: xây dựng và công khai thông tin cam kết danh sách các ngành nghề Agribank không cấp hoặc hạn chế cấp tín dụng; triển khai đồng bộ quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu để triển khai trong toàn hệ thống Agribank.

Agribank tiếp tục ưu tiên cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, phát triển tài chính toàn diện, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, tiếp tục duy trì tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 65 - 70% /tổng dư nợ và mô hình ngân hàng lưu động, cho vay qua tổ vay vốn.

Song song với đó, Agribank cần phát triển các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững: nghiên cứu và triển khai các sản phẩm ngân hàng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường…, phù hợp với định hướng kinh doanh, phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu cũng như năng lực, thế mạnh của Agribank; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh.

Agribank tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại, tiện ích dựa trên ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần “xanh hóa” ngành Ngân hàng, xây dựng thói quen thân thiện với môi trường; tiếp tục thực hiện đẩy đủ chính sách hợp pháp, công bằng đối với người lao động; tiếp tục vận động, truyền truyền người lao động của Agribank tham gia các hoạt động cộng đồng, hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng...

Agribank được Moody’s chấm điểm tín dụng ESG ở mức CIS 2

Năm 2023, Agribank được Moody’s chấm điểm tín dụng ESG ở mức CIS 2. Mức điểm CIS 2, mức không ảnh hưởng tới xếp hạng tín nhiệm chung của Agribank. Điểm CIS đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị đến xếp hạng tín nhiệm của một ngân hàng. Đây là năm đầu tiên Moody’s áp dụng điểm CIS đối với các ngân hàng tại Việt Nam.