![]() |
Agribank đang khẳng định rõ nét vai trò chủ lực trong triển khai tín dụng xanh |
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, khủng hoảng năng lượng, ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên thiên nhiên đã trở thành những thách thức toàn cầu, Việt Nam đang từng bước chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững và bao trùm.
Trong tiến trình ấy, tài chính xanh - đặc biệt là tín dụng xanh - trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường và nền kinh tế các-bon thấp. Với vị thế ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu phục vụ nông nghiệp - nông thôn, Agribank đang khẳng định rõ nét vai trò chủ lực trong triển khai tín dụng xanh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Kiến tạo chuyển đổi xanh qua các dòng vốn
Tín dụng xanh không đơn thuần là một loại hình cho vay ưu đãi, mà đã trở thành xu thế tài chính toàn cầu, phản ánh trách nhiệm xã hội và cam kết bảo vệ môi trường của ngành Ngân hàng. Đây là dòng vốn hướng đến các hoạt động kinh tế có lợi cho môi trường: năng lượng sạch, sản xuất xanh, giao thông bền vững, xử lý nước thải, nông nghiệp hữu cơ và giảm phát thải khí nhà kính.
Ngân hàng vì cộng đồng, vì phát triển xanhTín dụng xanh không chỉ là một sản phẩm tài chính, đó còn là cam kết trách nhiệm của Agribank đối với cộng đồng, môi trường và sự phát triển dài hạn của đất nước. Theo đó, trong lộ trình chuyển đổi năng lượng, hiện đại hóa nông nghiệp và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0”, Agribank đang từng bước hiện thực hóa vai trò là ngân hàng vì cộng đồng, vì phát triển xanh và vì tương lai thế hệ mai sau. |
Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy, đến năm 2023, quy mô thị trường tín dụng xanh toàn cầu đã vượt mốc 2.000 tỷ USD. Các định chế tài chính quốc tế như: ADB, IFC, WB đã coi tín dụng xanh là một phần thiết yếu trong chiến lược đầu tư.
Tại Việt Nam, tín dụng xanh không còn là khái niệm mới khi được đề cập trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 43,5% vào năm 2030 so với kịch bản thông thường (BAU). Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có bộ tiêu chí phân loại xanh chính thức ở cấp quốc gia, khiến việc triển khai tín dụng xanh giữa các ngân hàng còn thiếu thống nhất.
Chính vì vậy, vai trò tiên phong của các ngân hàng lớn như Agribank là rất quan trọng để định hình và lan tỏa thực hành tín dụng xanh trong toàn hệ thống. Từ việc tiếp cận thận trọng đến thiết kế các gói tín dụng đặc thù, Agribank đang dần khẳng định vai trò đầu tàu trong dòng chảy tài chính xanh.
Là ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Việt Nam, hoạt động theo định hướng phục vụ nông nghiệp - nông thôn - nông dân, Agribank có điều kiện thuận lợi để triển khai tín dụng xanh ở những lĩnh vực có nhiều tiềm năng, nhưng cũng nhiều rủi ro về môi trường như sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy lợi, năng lượng sinh học.
Theo báo cáo từ Agribank, tính đến 31/12/2024, tổng dư nợ tín dụng xanh đạt 28.774 tỷ đồng. Trong đó, năng lượng tái tạo chiếm hơn 53%, lâm nghiệp bền vững gần 24%, còn lại là nông nghiệp xanh. Điều đó cho thấy sự ưu tiên rõ rệt cho các dự án sạch trong chuỗi sản xuất nông nghiệp - lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu.
Một ví dụ điển hình là chương trình cho vay ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Quyết định 813/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Chương trình có quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng, được Agribank thiết kế mức lãi suất ưu đãi từ 0,5% - 1,5%/năm tùy vào vai trò của khách hàng trong chuỗi cung ứng. Đây là chính sách cụ thể giúp khuyến khích nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp thông minh, tiết kiệm nước, không hóa chất và phát thải thấp.
Đặc biệt, Agribank còn là ngân hàng tiên phong cấp tín dụng cho Đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp” tại Đồng bằng sông Cửu Long - một chương trình trọng điểm của Chính phủ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành lúa gạo Việt Nam, giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Song song đó, Agribank đã dành 10.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân và 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp thực hiện các dự án xanh, với lãi suất cố định chỉ từ 6%/năm trong 24 tháng - mức lãi suất rất cạnh tranh trong điều kiện thị trường.
Vượt thách thức, kiến tạo nền tài chính xanh hiệu quả
Với đặc thù là ngân hàng thương mại nhà nước chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, Agribank đã áp dụng nhiều tiêu chí xác định các dự án xanh để ưu tiên cấp tín dụng.
Cụ thể, với nông nghiệp xanh tiêu chí là các dự án liên quan đến sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính; Lâm nghiệp bền vững (các dự án liên quan đến trồng rừng, tái trồng rừng, bảo tồn rừng); Công nghiệp xanh (các dự án liên quan đến tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải); Năng lượng tái tạo (các dự án liên quan đến đầu tư năng lượng mặt trời, gió, điện thông minh); Tái chế tài nguyên (các dự án liên quan đến tái chế chất thải rắn, khoáng sản); Xử lý chất thải (các dự án liên quan đến xử lý nước thải, rác thải, chất thải nguy hại); Bảo vệ môi trường (các dự án liên quan đến bảo vệ rừng, biển, động thực vật hoang dã); Quản lý nước (các dự án liên quan đến tiết kiệm nước, cải thiện hệ thống cấp nước); Công trình xanh (các dự án liên quan đến xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu thân thiện)…
Tuy nhiên, triển khai tín dụng xanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng không ít khó khăn. Việc đo lường phát thải, đánh giá tác động môi trường còn sơ khai; hồ sơ dự án của nông dân và doanh nghiệp nhỏ thường thiếu dữ liệu ESG; rủi ro thiên tai luôn tiềm ẩn. Bởi vậy, Agribank không chỉ đóng vai trò cấp vốn mà còn đồng hành hỗ trợ từ tư vấn, thẩm định, đến truyền thông nâng cao nhận thức.
Có thể khẳng định rằng, chính sự hiện diện của Agribank ở những nơi khó khăn nhất từ cao nguyên đá Hà Giang đến vùng ngập mặn Cà Mau đã giúp dòng vốn tín dụng xanh thực sự len lỏi đến từng người dân, góp phần vào công cuộc chuyển đổi xanh của quốc gia.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song việc triển khai tín dụng xanh tại Agribank cũng đối mặt không ít thách thức. Trước hết, thiếu khung phân loại xanh quốc gia khiến việc xác định dự án xanh vẫn phụ thuộc nhiều vào hướng dẫn nội bộ hoặc quy định tạm thời, dẫn đến thiếu nhất quán trong thực hiện. Tiếp theo, dữ liệu ESG của doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thiếu hụt, việc đo lường phát thải và tác động môi trường chưa được thực hiện bài bản. Bên cạnh đó, nguồn vốn dài hạn để tài trợ các dự án xanh cũng là thách thức lớn, trong khi phần lớn vốn ngân hàng là ngắn hạn.
Nhận diện rõ các trở ngại đó, Agribank đã có nhiều giải pháp đồng bộ và mang tính chiến lược. Một mặt, ngân hàng tăng cường đào tạo cán bộ, xây dựng quy trình thẩm định phù hợp với đặc thù của dự án xanh; mặt khác, hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn, tư vấn lập hồ sơ và minh bạch thông tin môi trường - xã hội.
Agribank cũng đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước để đề xuất hoàn thiện hệ sinh thái pháp lý cho tín dụng xanh, từ đó mở rộng quy mô và phạm vi áp dụng.
Với nền tảng vững chắc, chiến lược bài bản và tinh thần tiên phong, Agribank sẽ tiếp tục giữ vai trò đầu tàu trong triển khai tài chính xanh, tạo dòng chảy bền vững lan tỏa từ đồng ruộng đến đô thị, từ hộ nông dân đến doanh nghiệp, góp phần kiến tạo một Việt Nam xanh, sạch hơn và phát triển thịnh vượng./.