Một góc TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ảnh: Hoàng Dương. |
Nhiều lợi thế, dư địa tiềm năng
Tại hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, ông Hồ Văn Mừng - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, mục tiêu phát triển đến năm 2030 tỉnh An Giang xác định và khẳng định 3 lĩnh vực trọng tâm: kinh tế nông nghiệp, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu và sẽ quyết tâm biến các tiềm năng, thế mạnh này thành động lực tăng trưởng mới cho kinh tế An Giang trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng thông tin, tỉnh An Giang định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, giảm phát thải, ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành, nâng cao giá trị, định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, An Giang còn rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, làm cho ngành du lịch có đóng góp lớn hơn cho ngân sách và phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch sông nước, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, khám phá và trải nghiệm còn rất nhiều dư địa phát triển.
Thông tin đến báo giới, ông Hồ Văn Mừng – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh An Giang không thụ động chờ đợi, mà luôn chủ động mời gọi, “mở rộng cửa” chào đón các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển. Ảnh: Hoàng Dương. |
Tỉnh An Giang tập trung thu hút đầu tư vào 6 lĩnh vực chính, gồm: hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp, hạ tầng khu, cụm công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; văn hóa - xã hội và môi trường. Tỉnh An Giang đã chọn lọc hơn 60 dự án trọng điểm, ưu tiên đầu tư trên 6 lĩnh vực, nhằm mời gọi nhà đầu tư chiến lược, có tầm nhìn, có năng lực tài chính và công nghệ, để đồng hành, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong thời gian tới. |
Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để thu hút nhà đầu tư đến An Giang, tỉnh cần thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược gồm: xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá phát triển như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, du lịch, logistics…; tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên; hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang), các khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực.
Theo bà Bích Ngọc, tỉnh An Giang cần đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
“Xác định đúng các tiềm năng mà địa phương có lợi thế và sự đồng hành của Chính phủ, tỉnh An Giang sẽ trở nên hấp dẫn nhà đầu tư và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư chiến lược” - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định.
Nhà đầu tư hào hứng
Với tuyến biên giới giáp với Vương quốc Campuchia gần 100 km, tỉnh An Giang được quy hoạch thành 3 khu vực kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích hơn 30.000 ha có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, khu vực này đã được quy hoạch một số phân khu chức năng phát triển thương mại - dịch vụ - logistics và sản xuất công nghiệp để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu và khai thác.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng giám đốc Công ty Antesco (bìa trái), giới thiệu sản phẩm cá linh đóng hộp của công ty. Ảnh: Hoàng Dương. |
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) cho hay, trải qua hơn 49 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, trong suốt hành trình vận hành và phát triển, công ty luôn nhận được sự hỗ trợ rất sát sao từ lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành của An Giang. Hiện tại, Antesco có 3 nhà máy chế biến rau quả tại An Giang và 1 nhà máy chế biến rau quả tại Lâm Đồng, với tổng sản lượng 75.000 tấn/năm tương đương lượng nông sản tiêu thụ 150.000 tấn /năm.
Cùng với diện tích 10.000 ha vùng trồng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn Globalgap và đang hướng đến Organic tại tỉnh An Giang. Trong tương lai, Antesco có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất và áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.
“Việc đầu tư vào công nghệ chế biến hiện đại không chỉ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh mà còn mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho nông sản của An Giang. Bên cạnh đó, công ty cũng cam kết đồng hành cùng tỉnh trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng, góp phần quảng bá hình ảnh và tiềm năng của An Giang ra thế giới” - ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết thêm.
Dự án Phúc An Asuka đang là "điểm nhấn" của TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ảnh: Hoàng Dương. |
Ngoài ra, đại diện Trần Anh Group cho biết, với vị trí địa lý và dân số hiện gần 2 triệu người, cùng chính sách thu hút đầu tư của chính quyền sở tại, về lĩnh vực bất động sản, tỉnh An Giang đang có dư địa và tiềm năng rất lớn để thu hút các nhà đầu tư đến đây. Tại An Giang, Trần Anh Group đang phát triển dự án Phúc An Asuka (đường Tôn Đức Thắng, P. Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang). Với Trần Anh Group, An Giang không chỉ là nơi đầu tư kinh doanh, mà còn là một nơi mà tập đoàn muốn cùng địa phương vun đắp phát triển kinh tế của An Giang. Vì thế trong thời gian tới, với niềm tin và trách nhiệm, Trần Anh Group quyết tâm đồng hành để biến vùng đất này trở thành biểu tượng của sự thịnh vượng, phát triển và hội nhập.
“Chúng tôi luôn đề cao giá trị phát triển vì cộng đồng và cam kết mang đến các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương và nền kinh tế đất nước, tạo dấu ấn tích cực trên mỗi nơi chúng tôi đặt chân đến” - đại diện Trần Anh Group thông tin.
Theo ông Rajib Gupta, tỉnh An Giang có thể thu hút thêm các nhà đầu tư Ấn Độ bằng cách đề xuất một kế hoạch xúc tiến đầu tư rõ ràng và cụ thể. Kế hoạch này bao gồm, tổ chức các diễn đàn đầu tư theo ngành tập trung vào các lĩnh vực tăng trưởng cao như chế biến nông sản và năng lượng tái tạo. Cách tiếp cận chủ động này sẽ xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư Ấn Độ khi đến An Giang đầu tư. |
Còn ông Rajib Gupta - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ (Incham), cho rằng tỉnh An Giang có vị trí địa lý gần Campuchia và các cửa khẩu quốc tế như Tịnh Biên và Vĩnh Xương nên rất thuận lợi trong việc xuất khẩu sang các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, An Giang có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, ngành nuôi trồng thủy sản phát triển và tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Nơi đây là địa điểm lý tưởng đầu tư các ngành chế biến thực phẩm, năng lượng bền vững.
Chủ tịch Incham cũng cho thông tin, hiện nay các doanh nghiệp Ấn Độ đang quan tâm đầu tư vào phía Nam các ngành nghề như năng lượng tái tạo, chế biến nông sản, dược phẩm, công nghệ thông tin, dệt may. Để thu hút các doanh nghiệp Ấn Độ đến An Giang đầu tư, chính quyền An Giang cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tạo môi trường đầu tư cạnh tranh và thân thiện hơn.