![]() |
Áp lực bên ngoài đối với tỷ giá USD/VND đã giảm tương đối so với thời điểm cuối năm 2024. Ảnh tư liệu |
Linh hoạt trong điều hành chính sách
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT phân tích, dư địa điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện đang bị hạn chế, đến từ việc đồng USD liên tục neo cao. Để ứng phó với tình hình, NHNN đã chủ động tăng tính linh hoạt trong việc điều hành chính sách của mình thông qua việc nâng mục tiêu kiểm soát lạm phát và hiện tăng giá bán can thiệp USD từ 25.450VND/USD lên 25.698 VND/USD.
Hành động của NHNN cũng hướng tới các mục đích, tạo "hiệu ứng tin ra" giúp hạ nhiệt tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tăng giá, bảo vệ dự trữ ngoại hối, hiện đang ở dưới ngưỡng khuyến nghị và hỗ trợ xuất khẩu.
Theo dữ liệu mới nhất từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đạt 0,19% kể từ đầu năm vào ngày 3/2/2025 bất chấp tháng Tết phản ánh nhu cầu tín dụng cải thiện. Về các mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2025, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định rằng tín dụng tăng 2% thường đóng góp 1% vào tăng trưởng GDP. Như vậy, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho năm nay tương ứng với mục tiêu tăng trưởng 8%, còn nếu tăng trưởng GDP ở mức 10% thì tăng trưởng tín dụng phải đạt 18 - 20%.
Do đó, chuyên gia của VNDIRECT nhận định, các ngân hàng có thể sẽ ưu tiên tăng vốn và đẩy tín dụng ngay từ đầu năm để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. Đáng chú ý, trong Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến việc đổi mới biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định bám sát chỉ đạo của Chính phủ, triển khai lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, tiếp tục giảm bớt các thủ tục hành chính, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn mạnh hơn tới các doanh nghiệp.
Theo ông Đinh Quang Hinh, chỉ số DXY chứng kiến một đợt tăng mạnh vào đầu năm 2025, trước khi lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ Trump. Tuy nhiên, DXY đã hạ nhiệt sau đó và dao động quanh mốc 108 kể cả khi Trump liên tục công bố các chính sách thuế quan mới, bao gồm thuế 25% đối với Canada và Mexico (hiện đang tạm hoãn), thuế bổ sung 10% đối với Trung Quốc và thuế quan 25% đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm, DXY vẫn không thể vượt qua mốc 109 một lần nữa. Điều này phản ánh việc trước đó thị trường đã phản ánh phần lớn những lo ngại về thuế quan Mỹ và nhận ra ông Trump đang sử dụng thuế quan như một quân bài thương lượng. Có thể thấy, áp lực bên ngoài đối với tỷ giá USD/VND đã giảm tương đối so với thời điểm cuối năm 2024, khi đồng VND đã tăng nhẹ 0,11% so với USD tại ngày 13/02. Mặc dù áp lực từ đà tăng của DXY thuyên giảm, NHNN đã chủ động tăng giá bán USD can thiệp lên 25,698 VND/USD và tăng dần tỷ giá trung tâm, đạt 24,572 VND/USD vào ngày 13/2 (+0,94% kể từ đầu năm).
Chuyên gia phân tích của VnDirect cho rằng, nhìn chung mặc dù áp lực tỷ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát ở thời điểm hiện tại, việc NHNN chủ động nâng tỷ giá trung tâm và giá bán can thiệp phản ánh nỗ lực của nhà điều hành trong việc điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ để phù hợp hơn với các chỉ tiêu kinh tế sửa đổi mới đây.
Sự ổn định của vĩ mô là cơ sở để ổn định tỷ giá
Nhận định về xu hướng tỷ giá trong thời gian tới, Chứng khoán MBS cho rằng thách thức vẫn còn khi cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đồng USD trong thời gian tới. Gần đây, Trung Quốc đã tuyên bố áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả các mức thuế mới mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, làm bùng phát trở lại căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Mỹ sẽ có thể áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada kể từ tháng 3 nếu các cuộc đàm phán không đạt được kết quả như mong đợi. Những rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan của Trump sẽ tiếp tục củng cố vị thế của đồng USD. Do đó, rủi ro tỷ giá vẫn sẽ cần được chú ý trong thời gian tới.
Các chuyên gia phân tích của MBS kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 - 25.800 VND/USD trong quý I/2025 khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nước khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND như: Thặng dư thương mại tích cực (~3,03 tỷ USD trong tháng 1/2025), lượng vốn FDI giải ngân dồi dào (1,51 tỷ USD, +2% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (+36,9% so với cùng kỳ trong tháng 1/2025). Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.
Theo Chứng khoán KBSV, trái ngược với diễn biến tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025, tỷ giá USD/VND ổn định hơn trong suốt tháng 1, với biên độ dao động quanh mức 25.100 - 25.400 VND/USD. Xu hướng này đồng pha với chỉ số DXY khi có nhịp tăng mạnh lên vùng 108 - 110 trước thềm công bố các chính sách của Tổng thống Donald Trump, sau đó điều chỉnh nhẹ khi chính sách thuế mới cho một số quốc gia được ban hành. Tuy nhiên, DXY vẫn duy trì ở mức cao kể từ đầu năm, dao động quanh vùng 107,5, tạo áp lực nhất định lên tỷ giá USD/VND.
Dự báo tỷ giá cuối năm 2025 sẽ ở mức khoảng 26.000 VND/USD Các chuyên gia của KBSV cho rằng, USD/VND sẽ tiếp tục biến động trong năm 2025 trước các quyết sách mà chính quyền Trump 2.0 dự kiến sẽ công bố. Dù vậy, KBSV giữ nguyên dự báo tỷ giá cuối năm 2025 sẽ ở mức khoảng 26.000 VND/USD tăng 2% so với năm 2024. Lý do là DXY đã có nhịp phản ánh sớm kỳ vọng của thị trường; NHNN vẫn tiếp tục điều hành và sử dụng các công cụ linh hoạt để kiểm soát và bình ổn tỷ giá... |