Muốn an lành thì cứ cân bằng

Muốn an lành thì cứ cân bằng và bảo hiểm hết. Điều này như thể không kinh doanh gì mà phát triển, chậm chậm làm, lấy cần cù bù thông minh, "gặp bão thì thu mình vào hang núp, hết bão lại bò ra", không đi đầu, chỉ "đu theo gió"… Cứ để thiên hạ thử chán hãy làm, mãi mãi làm người trung bình.

Như thế chả cần ALM. Đúng hơn là làm ALM nhưng để sao vấn đề ALM không tồn tại bằng cách giữ A-L luôn cân bằng. Việc kinh doanh khi ấy sẽ rất ổn, nhàn nhã, nhưng sẽ không có bứt phá. Cơm no áo ấm, nhưng thường thì mọi thứ sẽ mờ nhạt.

Muốn bứt phá, cảm giác mạnh, làm kẻ đi đầu… thì để mất cân đối A-L và công việc quản lý sự mất cân đối ấy xuất hiện để từ sự mất cân đối sinh ra giá trị.

Bài 3: Hậu SVB, CS và phiếm bàn về “trò chơi rủi ro”
Việc nhìn thấy 6 rủi ro trên của SVB dễ, quản lý mới khó. Ảnh: T.L
Bài 1: Silicon Valley Bank và sự cộng hưởng của 6 yếu tố rủi ro Bài 2: Credit Suisse và câu chuyện trái phiếu CoCo - AT1

Trò chơi ALM giàu cảm xúc

Cuộc chơi ALM khi ấy dành cho những người chỉ có bản lĩnh, trí tuệ và tính cách dám chịu trách nhiệm. Những ai muốn làm kẻ thách thức tài chính thường biết dùng ALM làm vũ khí. Kinh doanh ALM là một trong các công cụ đỉnh cao và cực kỳ mạnh mẽ của các con sói già tài chính bản lĩnh.

Trong phim ảnh ta thường thấy hình ảnh nhà tài phiệt ngồi ghế bành trong văn phòng mênh mông, miệng ngậm cigar, mắt lim dim, gật gù ngẫm nghĩ rồi nhấc điện thoại gọi vài cuộc, xong lại ngồi gà gật…

Để đến cảnh phim tiếp theo, nhân vật hoặc đang bới thùng rác tìm đồ ăn thừa hoặc đang lim dim cigar trong văn phòng với quy mô tài sản gấp chục lần… Đó chính là hội này - các tay chơi ALM. Tất nhiên, đằng sau nhà tài phiệt này là một núi những người thu thập, phân tích và tổng hợp thông tin. Ông ta là người quyết định và tổ chức thực hiện.

ALM là thử thách, dám chơi dám chịu

Chơi ALM cũng giống giới làm chính trị vậy, đi đúng hướng thì lên tiên, đi sai hướng thì xuống hố. Cuộc đời nhiều màu sắc, cuộc chơi này không dành cho những người thiếu trí tuệ, sợ trách nhiệm và yếu bản lĩnh.

Kinh doanh ALM là cuộc chơi đòn bẩy, cân não, sâu rộng và đòi hỏi kỹ năng phân tích, tổng hợp, quyết đoán, kỷ luật, lạnh lùng… cùng tổ chức bộ máy thực hiện. Cuộc chơi kinh doanh ALM dành cho những người có khả năng quyền biến, năng lực tổ chức, tố chất mạnh mẽ để thiết kế một bảng tổng kết tài sản trơn như lươn.

Cuộc chơi ALM cũng không dành cho những kẻ kiêu ngạo. Kẻ kiêu ngạo máu me như cờ bạc, tự tin mỗi bản thân và không biết cách thất bại nên không chịu quyền biến thay đổi - làm thế thì cũng dễ biến cả tổ chức thành sòng bạc.

Sales, marketing, sản phẩm, cạnh tranh, khách hàng, dịch vụ… rất cần nhưng không đủ. Nó làm tốt P/L (báo cáo thu nhập) nhưng chỉ là cơ bắp - tạo lực, còn ALM tạo thế. Chỉ có lực không có thế sẽ yếu, thế sai làm tản lực phí sức. Trong thế đã tiềm ẩn lực. Thế quan trọng hơn lực. Thế là trung dài hạn, là bền vững, là nhu. Lực là ngắn hạn, là nắm bắt cơ hội, là cương.

Đúng sai là so với vận động của thời cuộc. Nghịch thời cuộc là tạo thế sai, mà thế sai là sụp. Thuận thời cuộc, thế đúng không làm gì cũng thắng. Tổ chức càng lớn nếu chọn thế sai càng dễ sụp đổ bởi trọng lượng của chính nó quá lớn. Võ thuật dạy ta thế.

Bạn đã thấy tuyết lở san bằng cả 1 làng chỉ bởi bước chân người trượt tuyết? Tuyết tích tụ tạo thế. Bước chân người trượt tuyết dù nhẹ nhưng đúng lúc, đúng nơi sẽ kích hoạt thế thành lực, sức công phá kinh hoàng. ALM là thế!

Bài 3: Hậu SVB, CS và phiếm bàn về “trò chơi rủi ro”
Muốn bứt phá thì để mất cân đối A-L và công việc quản lý sự mất cân đối ấy xuất hiện để từ đó sinh ra giá trị. Ảnh: T.L

Kinh doanh tài chính là tạo thế và lực cho đồng vốn

Một ngân hàng như SVB đang rất tốt: Nguồn vốn như cũ, tài sản như cũ, khách hàng như cũ. Mọi thứ y nguyên không ai thay đổi. Nhưng, ngoại cảnh thay đổi và cấu trúc ALM sai nên yếu… vài cú rút tiền kích hoạt là sụp đổ.

Điều đáng tiếc là lẽ ra chỉ cần thanh khoản đúng lúc, có kịch bản duy trì tiền gửi như thế vài năm nữa thì lại ngon. Kiểu như đi trên sa mạc, chở hàng tấn vàng chỉ cần vài lít nước chống chết khát là đi đến giàu sang. Cốt là không để chết khát trên đống vàng.

Thanh khoản là hệ quả của cấu trúc ALM. Cấu trúc động, không phải cấu trúc tĩnh. Mỗi quốc gia cũng có B/S (bảng tổng kết tài sản), P/L (báo cáo thu nhập) của mình nên cũng cần có đội ALM chuẩn, không thì quốc gia cũng có thể bị như SVB, như CS.

Ông Soros hồi khủng hoảng năm 1997 trong cuộc chơi ALM này dù cũng chỉ là “thường thường bậc trung” so các chính trị gia, mà cũng đã làm Đông Nam Á điên loạn lùi lại hơn 10 năm phát triển đấy thôi. Ấy là hơn 25 năm trước. Giờ cuộc chơi dữ hơn nhiều.

Rất dễ chê trách CEO hay các ông chủ SVB, CS non tay hay sai lầm nghiêm trọng. Bởi bây giờ rõ là họ đã sai. Ai đã ngồi vào vị trí và hoàn cảnh như họ mới hiểu sự khó khăn của việc ra quyết định khi thời gian thúc đít, sai đúng chỉ là xác suất tù mù với muôn vàn thông tin, giải pháp, đánh giá trái ngược và một dịch chuyển nhỏ trong danh mục là được mất nhiều tỷ đô. Cảm xúc không hề nhỏ, để cảm xúc chi phối thì quyết định sai là thường, đặc biệt khi bạn không có nhiều thời gian, nhất là khi tiền mặt trả ngay.

Quyết định đã khó, thực thi khó hơn vạn lần, nhất là khi rủi ro rất lớn cận kề. Việc nhìn thấy 6 rủi ro trên của SVB dễ, quản lý nó mới khó. Bởi lẽ, các rủi ro ấy cũng chính là cơ hội kiếm tiền.

Khái niệm rủi ro không chỉ gắn với mất tiền

Rủi ro không chỉ là mất tiền hay hết tiền, nhận được nhiều tiền quá mà không sẵn sàng, không có khả năng sử dụng nó cũng là rủi ro. Rủi ro là sự biến động không lường trước ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Biến động không lường trước ấy có thể làm mất tiền mà cũng có thể đổ lên đầu bạn một đống tiền, không sẵn sàng sẽ mất nhiều hơn.

Sóng sau nối sóng trước

Các cuộc chơi ALM đang ngày càng dữ, và sự tích tụ tiền đang ngày càng mạnh thông qua các vụ M&A kiểu UBS-CS tạo các quái vật tài chính khổng lồ bắt đầu từ cuộc khủng hoảng năm 2008. Những quái vật tài chính này cùng các ngân hàng trung ương sẽ tạo ra các luật chơi mới, rào cản mới…

Với mọi tình huống phải có kịch bản tài chính, nhân lực, công nghệ… để định dạng, lượng hoá và sau đó giảm thiểu tác hại hay nhân mạnh tích cực của tình huống. Cái ấy gọi là quản lý rủi ro. Quản lý rủi ro là hoa tiêu, đem lại lợi nhuận bền vững bằng cách định hướng hoạt động cho doanh nghiệp… chứ không chỉ co cụm hay sợ hãi.

Các tỷ phú tự thân là “Business Builders”, để thành công họ cần chấp nhận rủi ro, tự tin và quyết đoán, đến mức lỳ lợm không biết sợ. Với họ, kinh doanh kiếm tiền chỉ là trò chơi, được mất chỉ là con số. Đầu nghĩ miệng nói tay làm.

Quy mô nhỏ chỉ tác động cá nhân họ thì không sao, họ chỉ có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhưng khi quy mô và tầm ảnh hưởng lớn lên sẽ đòi hỏi trách nhiệm rộng hơn. Đó là trách nhiệm với doanh nghiệp và lớn dần lên thành trách nhiệm xã hội (CSR): Được mất của các doanh nghiệp lớn sẽ ảnh hưởng vô cùng mạnh đến rất nhiều người, nhiều gia đình và xã hội.

CSR không chỉ là từ thiện hay bảo vệ môi trường, CSR là nghĩa vụ tuân thủ, vì thế tôi một mặt ủng hộ những “kẻ thách thức” làm thay đổi thế giới, mặt khác không ưa lắm những kẻ trên con đường thực hiện tham vọng của mình lại vô trách nhiệm với xã hội./.