Không phát sinh khấu trừ thuế thì không phải kê khai thuế

Theo quy định tại điểm d1 khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế TNCN. Thực hiện quy định này, ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện thủ tục hành chính thuế, Tổng cục Thuế đã có công văn số 2393/TCT-DNNCN ngày 1/7/2021 hướng dẫn khai thuế TNCN đối với một số nhóm đối tượng, cụ thể:

Trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ quan đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội... có phát sinh trả thu nhập từ tiền lương, tiền công nhưng không phát sinh doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì thuộc đối tượng khai thuế TNCN theo quý.

Bổ sung trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế
Người nộp thuế làm thủ tục hành chính thuế tại bộ phận "một cửa" Cục Thuế TP. Hà Nội. Ảnh: Mai Lan

Trường hợp tổ chức, cá nhân phát sinh trả thu nhập chịu thuế TNCN mới thuộc diện phải khai thuế TNCN. Do đó, trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập chịu thuế TNCN thì không thuộc diện điều chỉnh của Luật thuế TNCN.

Đến ngày 29/9/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 80/2021/TT-BTC, tuy nhiên tại Điều 19 quy định về khai thuế, phân bổ thuế TNCN chưa quy định, hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập, không phát sinh khấu trừ thuế TNCN.

“Để giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong quá trình áp dụng chính sách thuế một cách phù hợp, Nghị định 91/2022/NĐ-CP đã bổ sung trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế đối với người khai thuế TNCN là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế TNCN theo tháng, quý mà trong tháng, quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế TNCN của đối tượng nhận thu nhập” - ông Hùng cho hay.

Việc nghị định hóa, nâng tầm pháp lý, bổ sung quy định về việc không phải nộp hồ sơ khai thuế TNCN đối với trường hợp không phát sinh khấu trừ thuế TNCN đã bao quát được cả các trường hợp không phát sinh chi trả thu nhập, không phát sinh khấu trừ thuế đã tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người nộp thuế trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Được tạm nộp 80% thuế thu nhập doanh nghiệp 4 quý

Theo Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 91/2022/NĐ-CP quy định: “Tổng số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp của 4 quý không được thấp hơn 80% số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế thiếu so với số phải tạm nộp 4 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ quý 4 đến ngày liền kề trước ngày nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ còn thiếu vào ngân sách nhà nước”.

Hướng dẫn xử lý tiền chậm nộp theo quy định cũ

Ngoài những quy định vê khai thuế, Nghị định 91/2022/NĐ-CP cũng hướng dẫn rõ về việc xử lý tiền chậm nộp phát sinh theo quy định cũ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế khi áp dụng quy định hồi tố nêu trên, cụ thể:

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra đã tính tiền chậm nộp đối với số thuế nộp thiếu so với tỷ lệ tạm nộp 75% theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm g khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và khi áp dụng quy định tỷ lệ tạm nộp 4 quý tại khoản 3, 4, 5 Điều 1 Nghị định số 91/2022/NĐ-CP được giảm số tiền chậm nộp, thì người nộp thuế có văn bản đề nghị điều chỉnh giảm tiền chậm nộp theo Mẫu số 01/GTCN tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 91/2022/NĐ-CP gửi cơ quan thuế nơi phát sinh tiền chậm nộp (là cơ quan thuế quản lý trực tiếp, hoặc cơ quan thuế có hoạt động được hưởng ưu đãi thuế TNDN). Sau khi điều chỉnh giảm mà có số tiền chậm nộp nộp thừa thì thực hiện theo quy định tại Điều 60 và Chương VIII Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, theo quy định mới này, doanh nghiệp có thể tạm nộp 80% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của 4 quý, thay vì phải nộp 75% số thuế thu nhập của 3 quý như quy định cũ. Như vậy có nghĩa, đến ngày 31/10/2022 doanh nghiệp nào chưa tạm nộp đủ 75% số thuế TNDN 3 quý đầu năm theo quy định cũ tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thì cũng không cần phải vội vã đi nộp thêm tiền thuế bổ sung, mà doanh nghiệp sẽ được áp dụng tỷ lệ tạm nộp 4 quý không được thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Quy định này tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp chủ động cân đối được dòng tiền trong 2 tháng cuối năm.

Ngoài quy định tạm nộp 80% thuế TNDN 4 quý, Nghị định 91 cũng cho phép hồi tố đối với số thuế TNDN và lợi nhuận còn lại sau thuế đã tạm nộp của kỳ tính thuế năm 2021, cụ thể: Nếu tính đến ngày 30/10/2022, người nộp thuế có số thuế tạm nộp 3 quý đầu kỳ tính thuế năm 2021 không thấp hơn 75% số phải nộp theo quyết toán năm, thì không áp dụng quy định tỷ lệ tạm nộp 4 quý không được thấp hơn 80% số phải nộp theo quyết toán năm theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 91/2022/NĐ-CP.

“Nếu tính đến ngày 30/10/2022, người nộp thuế có số thuế tạm nộp 3 quý đầu kỳ tính thuế năm 2021 thấp hơn 75% số phải nộp theo quyết toán năm, thì được áp dụng tỷ lệ tạm nộp 4 quý không được thấp hơn 80% số phải nộp theo quyết toán năm theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 91/2022/NĐ-CP nếu không tăng thêm số tiền chậm nộp” - ông Hùng nói.

Yêu cầu nộp các khoản thuế đã hết thời gian gia hạn trong tháng 11

Cục Thuế TP. Hà Nội vừa có thông báo gửi cộng đồng doanh nghiệp đề nghị người nộp thuế trên địa bàn có các khoản thuế giá trị gia tăng (GTGT) tháng 4/2022 và tiền thuê đất kỳ 1/2022 được gia hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ chủ động sắp xếp nguồn tài chính để thực hiện nộp khoản tiền thuế nêu trên vào NSNN ngay khi kết thúc thời hạn gia hạn nộp thuế (ngày 21/11/2022 đối với tờ khai thuế GTGT tháng 4/2022 và ngày 30/11/2022 đối với tiền thuê đất lần 1/2022).

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, ngay sau khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế, nếu doanh nghiệp chưa nộp đầy đủ tiền thuế GTGT và tiền thuê đất được gia hạn nêu trên, cơ quan thuế sẽ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019.

Trước đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế: Nghị định 52/2021/NĐ-CP, Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15, Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg; Nghị định 34/2022/NĐ-CP.

Về thời hạn gia hạn nộp thuế: Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 34/2022/NĐ-CP quy định: “Các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế GTGT tháng, quý theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng chưa phải nộp số thuế GTGT phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế GTGT đã kê khai. Thời hạn nộp thuế GTGT của tháng, quý được gia hạn như sau: Thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế tháng 4 năm 2022 chậm nhất là ngày 20/11/2022.

Tại Khoản 4, Điều 4 Nghị định số 34/2022/NĐ-CP quy định: “Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2022 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Điều 3 Nghị định này đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2022 đến ngày 30/11/2022”.