Chính sách tài khóa được thực hiện khẩn trương và đi vào cuộc sống Các chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế được triển khai nhiều nhất từ trước đến nay Chính sách tài khóa thận trọng kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng

Thu ngân sách đảm bảo tiến độ dự toán

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, thu ngân sách do ngành Thuế quản lý 7 tháng đạt khá và tăng trưởng so với cùng kỳ.

Cụ thể: Thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 7 của cơ quan thuế quản lý đạt 122.500 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng đạt 911.027 tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán và tăng 17,2% (so cùng kỳ năm 2021). Nếu loại trừ các yếu tố miễn, giảm, gia hạn 7 tháng năm 2022 số thu thuế, phí không kể thu từ cổ tức lợi nhuận còn lại và chênh lệch thu chi ngân hàng thì tăng 8,7%.

Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc giao ban. Ảnh: Đức Minh.

Số thu thuế, phí đạt 665 nghìn tỷ đồng, bằng 72,7% và tăng 10,7%. Nếu loại trừ yếu tố đột biến và chính sách miễn, giảm, gia hạn trong 7 tháng thì chỉ tăng 4,7%.

Qua phân tích tình hình thu NSNN theo ngành và lĩnh vực cho thấy, đóng góp trong tăng thu nội địa 7 tháng qua là từ một số ngành tăng trưởng nóng như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí.

Vừa chống thất thu vừa hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 7 tháng ước đạt gần 179,8 nghìn tỷ đồng, bằng 90,3% dự toán, tăng 23,6%, trên cơ sở: tổng số thu thuế ước đạt 261,2 nghìn tỷ đồng, bằng 74,2% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 81,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,2% dự toán.

Thời gian tới, cơ quan hải quan tiếp tục tập trung quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế; đẩy mạnh chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống buôn lậu ma túy...

Theo Bộ Tài chính, trong quản lý, điều hành thu NSNN, quán triệt Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, với nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu, gian lận thương mại, trốn thuế. Đồng thời, cơ quan quản lý thu tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các giải pháp chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Làm tốt công tác dự báo để chủ động điều hành

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc biểu dương các đơn vị trong toàn ngành đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong những tháng qua. Triển khai nhiệm vụ 7 tháng năm 2022, chính sách tài khóa được điều hành linh hoạt, hiệu quả đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiều lĩnh vực thực hiện tốt như công tác thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, bảo hiểm, tài sản công, đào tạo và công tác tuyên truyền.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do đó, toàn ngành Tài chính phải tích cực triển khai nhiệm vụ với tinh thần chủ động, sát sao, trách nhiệm và quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển
Còn nhiều thách thức trong thực hiện thu NSNN những tháng cuối năm. Ảnh: TL.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, dự báo thời gian tới còn không ít những khó khăn, thách thức, như: lạm phát đang tăng cao, giá xăng dầu giảm nhưng mặt bằng giá nói chung chưa giảm; lãi suất tăng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, tác động tới nguồn thu ngân sách.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt là xăng dầu, khi cuộc xung đột Nga và Ukraine vẫn tiếp tục, dự báo giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng cao. Trong trường hợp giá xăng dầu tăng cao, Bộ trưởng lưu ý các đơn vị chuyên môn cần làm tốt công tác dự báo để chủ động trong điều hành.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng đề nghị một số đơn vị theo chức năng quản lý như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giá... cần đặc biệt chú ý trong công tác điều hành trước áp lực của lãi suất tăng cao, cũng như việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị các đơn vị cần tiếp tục tham mưu điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả. Công tác quản lý thu phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, tăng cường chống thất thu ở các lĩnh vực, trong đó có việc tăng thu trên nền tảng số, các sàn thương mại điện tử; hoàn thuế giá trị gia tăng...

Bộ trưởng đặc biệt lưu ý công tác hoàn thiện và xây dựng cơ chế chính sách pháp luật tài chính cần đảm bảo chặt chẽ, phù hợp thực tiễn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng ban hành chính sách pháp luật, về hình ảnh của ngành, những công tác trọng tâm, việc mới, việc làm sáng tạo của ngành trong thời gian qua. Bộ trưởng lưu ý toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ thông tin phải đi trước một bước, góp phần vào hiện đại hóa ngành Tài chính./.

Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách

Đối với nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị cần tiếp tục điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả. Công tác quản lý thu phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, tăng cường chống thất thu thuế ở các lĩnh vực, trong đó có việc tăng thu trên nền tảng số, các sàn thương mại điện tử; hoàn thuế giá trị gia tăng...