Theo thông tin được đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại hội nghị, đối với hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua, tín dụng có mức tăng trưởng tốt, bình quân tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020 đạt 16,31% và năm 2021 tăng 16,45% (cao hơn mức tăng tín dụng chung của toàn quốc là 13,61%).

Các ngân hàng ký tín dụng 21 nghìn tỷ đồng cho 12 doanh nghiệp Thanh Hóa
Các ngân hàng ký tín dụng 21 nghìn tỷ đồng cho 12 doanh nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: NHNN
Giải pháp tình thế cho các ngân hàng, doanh nghiệp Việt Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Đề án phát triển Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Rộng cửa cho tín dụng ngân hàng đến với học sinh, sinh viên

Ngoài ra, tín dụng chính sách trên địa bàn (đạt 10.790 tỷ đồng, chiếm 6,83% dư nợ tín dụng, quy mô đứng thứ 2 trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội) đã phát huy hiệu quả giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Hoạt động cho vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi cho 9.149 khách hàng, với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến ngày 28/2/2022 là 68.082 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã cho 696 lao động vay vốn với số tiền trên 52 tỷ đồng và giải ngân cho người sử dụng lao động vay trên 5,5 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Thông tin tại hội nghị, các ngân hàng thương mại cho biết đã sớm vào cuộc, triển khai thực hiện tốt Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước; tập trung triển khai kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua việc cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho vay, phí dịch vụ; tiếp tục cho vay mới đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những dự án khả thi, nhu cầu vốn lưu động để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Các ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ ngân hàng số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, chất lượng là mục tiêu cho sự phát triển ổn định, lâu dài./.