Đây là khuyến nghị dành cho nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp của bà Thái Thị Việt Trinh – Chuyên gia Phân tích, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) khi trao đổi với phóng viên TBTCO.

* PV: Thưa bà, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mặc dù duy trì tăng trưởng tích cực nhưng có dấu hiệu hạ nhiệt so với giai đoạn 2 quý đầu năm. Bà có thể lý giải về điều này?

Bà Thái Thị Việt Trinh: Thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng tích cực nhưng có dấu hiệu hạ nhiệt so với giai đoạn 2 quý đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ và giãn cách xã hội tác động đến kế hoạch phát hành của doanh nghiệp.

Cụ thể, tính đến hết tháng 11/2021, các doanh nghiệp đã phát hành 495 nghìn tỷ đồng trái phiếu, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, còn lại là trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng chiếm 5,5% tổng khối lượng phát hành.

Cân nhắc kỹ rủi ro trái phiếu doanh nghiệp vì có thể trắng tay
Bà Thái Thị Việt Trinh - Chuyên gia Phân tích SSI Research.

* PV: Bà đánh giá thế nào về chất lượng tăng trưởng cũng như tính rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi thời gian qua, cơ quan quản lý liên tục có các động thái về truyền thông phát đi nhằm tăng cường cảnh báo?

Tính đến hiện tại, một số tổ chức phát hành và công ty chứng khoán đã bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm nguyên tắc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chúng tôi nhận thấy đây là một bước đi cần thiết để lành mạnh hóa thị trường.

Bà Thái Thị Việt Trinh: Trong 3 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ khi nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp luôn ở mức cao. Huy động vốn thông qua trái phiếu là công cụ cho phép doanh nghiệp huy động vốn vay trung và dài hạn với khối lượng lớn; trong khi đó, điều kiện và thủ tục vay vốn qua ngân hàng phức tạp hơn và khoản vay có giới hạn nhất định.

Tính đến tháng 9/2021, tổng lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành chiếm khoảng 6% GDP, từ mức 2% GDP vào cuối năm 2019. Chất lượng tăng trưởng đã có cải thiện hơn nhiều so với giai đoạn trước nhờ có sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ cơ quan chức năng (Luật Chứng khoán, Nghị định 153/2020/NĐ-CP, …). Tuy nhiên, về bản chất trái phiếu doanh nghiệp có đặc thù là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ, do vậy tính rủi ro vẫn luôn đi kèm. Đặc biệt, chất lượng về tài sản đảm bảo là yếu tố cần được xem xét khi còn nhiều hạn chế, chủ yếu là cổ phiếu hoặc các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành.

Ngoài ra, các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán. Một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng do vậy không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này.

Cân nhắc kỹ rủi ro trái phiếu doanh nghiệp vì có thể trắng tay
Chất lượng trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

* PV: Gần đây nhất, không chỉ doanh nghiệp phát hành và một số công ty chứng khoán cũng đã bị phạt nặng khi phát hành sai quy định hoặc cung cấp dịch vụ chưa đúng. Qua đây, bà có bình luận gì về những sai phạm này và tính “mạnh tay” của cơ quan quản lý?

Bà Thái Thị Việt Trinh: Bộ Tài chính đã thực hiện một số biện pháp kiểm tra mạnh tay hơn nhằm giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tài chính đã chỉ đạo kiểm tra một số công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp. Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thông qua phân phối của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại mà chưa nắm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng rà soát lại một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn; phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo; tình hình tài chính yếu nhằm hạn chế tối đa nguy cơ vỡ nợ trên thị trường.

Tính đến hiện tại, một số tổ chức phát hành và công ty chứng khoán đã bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm nguyên tắc phát hành. Chúng tôi nhận thấy đây là một bước đi cần thiết để lành mạnh hóa thị trường.

* PV: Với nhà đầu tư tham gia, bao gồm cả nhà đầu tư tham gia mua trực tiếp và cả nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp qua các công ty chứng khoán phân phối, bà có khuyến nghị gì để họ tìm được các sản phẩm chất lượng, sinh lời và an toàn? Đâu là các điểm mấu chốt mà nhà đầu tư cần lưu tâm khi “xuống tiền” mua trái phiếu doanh nghiệp?

Bà Thái Thị Việt Trinh: Việc xếp hạng và đánh giá tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai, do vậy các nhà đầu tư cần tự trang bị kiến thức để có khả năng đánh giá rủi ro và mức sinh lời để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý hoặc tìm đến các đơn vị trung gian uy tín để được tư vấn.

Trước khi quyết định đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư cần đánh giá, phân tích về lĩnh vực hoạt động, tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, mục đích sử dụng vốn trái phiếu, chất lượng tài sản đảm bảo, điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Chỉ khi cân nhắc kỹ về các rủi ro, nhà đầu tư mới nên quyết định mua trái phiếu vì có thể có xác suất sẽ không thu hồi được số tiền đầu tư.

* PV: Xin cảm ơn bà!