Cần những "sải bước" nhanh, thận trọng, đột phá
Ảnh tư liệu minh họa

Thay đổi lớn về thể chế

Qua tham khảo ý kiến của nhiều người dân tại TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) cũng như ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội và nghị quyết của HĐND TP. HCM về triển khai thực hiện Nghị quyết 98 là bước ngoặt quan trọng, có tính lịch sử cho sự phát triển của TP. HCM. Nghị quyết này mang đến nhiều cơ chế và chính sách đột phá, góp phần giúp thành phố vượt qua khó khăn và tạo động lực cho sự phát triển vượt bậc trong tương lai gần. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 không chỉ đáp ứng sự kỳ vọng lớn từ phía người dân, mà cũng đặt áp lực thực thi đối với chính quyền TP. HCM. Vì vậy, theo các chuyên gia, để thực hiện nghị quyết này, cần có sự thay đổi lớn về thể chế và phải sớm ban hành kế hoạch, phương thức hành động phù hợp, bao gồm cả phương thức tham mưu tổ chức thực hiện.

Cần những "sải bước" nhanh, thận trọng, đột phá

Mục tiêu lớn nhất của TP. HCM hiện nay là huy động nguồn lực và khai thông nguồn lực, nhằm tập trung tháo gỡ những vướng mắc về thể chế - Ông Phan Văn Mãi -Chủ tịch UBND TP. HCM.

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, các cơ chế chính sách đặc thù dành cho TP. HCM trước mắt là để tháo gỡ một phần vướng mắc hiện hữu, nhằm tạo cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, hình thành những dự án đột phá, cùng cơ chế tự chủ tài chính sẽ để tạo động lực quan trọng cho sự bứt phá kinh tế, cũng như củng cố vị thế đầu tàu của TP. HCM trong thời gian tới.

Theo TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân TP. HCM đều rất tâm đắc với hai vấn đề cốt lõi hiện nay là cần tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn quan trọng nhất về phát triển hạ tầng và thể chế. Về hạ tầng, chủ yếu là hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm đã và đang được TP. HCM triển khai. Còn về thể chế, cần tập trung giải quyết căn cơ quản lý theo hướng tăng khả năng tự chủ cho thành phố cũng như các cấp quận huyện, xóa bỏ tình trạng xin, cho. Đối với cơ chế tài chính, tiềm năng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhiều, do vậy cần cải thiện cơ chế theo hướng phân cấp, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương.

GS.TS Nguyễn Thị Cành - Viện Nghiên cứu và Phát triển công nghệ ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM cho rằng, cùng với việc chủ động triển khai các nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết 98, TP. HCM cần áp dụng hỗ trợ lãi suất kích cầu đầu tư cho các dự án được hưởng ưu đãi gồm 8 lĩnh vực như: công nghiệp trọng yếu, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng, tài nguyên - môi trường, y tế - giáo dục đào tạo, thương mại, lĩnh vực nông nghiệp, thể dục - thể thao. Bên cạnh đó, TP. HCM cần phải sớm triển khai các dự án trọng điểm như xây dựng hạ tầng logistics, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa, kết nối liên kết với các tỉnh trong vùng và thị trường quốc tế.

Trên thực tế, thời gian qua bên cạnh việc đầu tư xây dựng một số dự án lớn như: đường vành đai 2, 3; cải tạo hệ thống rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát, rạch Nước Lên, dự án bán đảo Thanh Đa… TP. HCM đã có rất nhiều dự án hạ tầng giao thông nằm trong quy hoạch, nhưng nhiều năm vẫn chưa thể thực hiện được hoặc chậm tiến độ do thiếu vốn. Điển hình như dự án metro số 1- 2, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hoàn thiện 7 trung tâm logistic, hỗ trợ nội lực doanh nghiệp phát triển, cải thiện hạ tầng… Các dự án trên đều chuyển biến rất chậm bởi cơ chế chính sách, vốn đầu tư, cách làm và đang rất cần sự tiếp sức, thay đổi lớn từ thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15.

Những bước đi thận trọng, đột phá

TP. HCM đang có lợi thế rất lớn, đó là các tập đoàn kinh tế và lực lượng doanh nghiệp của thành phố, đặc biệt khối doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước cũng rất lớn. Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, mục tiêu lớn nhất của TP. HCM hiện nay là huy động nguồn lực và khai thông nguồn lực, nhằm tập trung tháo gỡ những vướng mắc về thể chế. Vì vậy, thành phố sẽ chủ động hơn trong việc tự chủ động, tự khai thác các nguồn lực của mình. Việc triển khai thực hiện nghị quyết 98, TP. HCM sẽ thiết kế các cơ chế chính sách để vừa tháo gỡ những vướng mắc hiện hữu, vừa tạo ra những cơ hội để thành phố thu hút các nguồn lực đầu tư của cộng đồng cả nước, kể cả ở nước ngoài. Đây là cơ hội cạnh tranh của các doanh nghiệp để phát triển.

Bên cạnh đó, TP. HCM cũng xây dựng lộ trình áp dụng thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh hơn để thành phố chủ động quyết định, giải quyết các vấn đề nhanh hơn. Đây là hai điểm mấu chốt trong thiết kế các giá trị kinh doanh để phát triển kinh tế TP. HCM. Theo đó, việc lên kế hoạch triển khai một loạt dự án rõ ràng sẽ giúp thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố bứt phá, tuy nhiên áp lực vốn đầu tư công giai đoạn trung hạn theo đó cũng sẽ rất lớn.

Về việc hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đồng hành phát triển, người đứng đầu chính quyền TP. HCM cho biết, thành phố đã xây dựng chính sách chuyển đổi số. Tới đây tiếp tục nghiên cứu triển khai chiến lược, lộ trình và đặc biệt là phần chính sách cho chuyển đổi xanh. Chính sách này hiện TP. HCM đang giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM phối hợp cùng với các cơ quan, các chuyên gia hoàn thiện để có những bước đi rõ ràng.

Trong chương trình kích cầu sắp tới, TP. HCM sẽ tính toán để làm sao hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Hơn thế, TP.HCM đang xây dựng một chiến lược với đội ngũ doanh nghiệp dẫn đầu của thành phố. Trong đó có kế hoạch hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài như các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin để doanh nghiệp ra nước ngoài đầu tư và phát triển chứ không chỉ thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam…

Có văn bản hướng dẫn cụ thể trong tháng 8

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quyết tâm thực hiện bằng được nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh với tư tưởng chủ động, kịp thời, bám sát tình hình thực tiễn, hành động quyết liệt và có sản phẩm cụ thể với hiệu quả cân đong đo đếm được, nhân dân được thụ hưởng thật; ban hành văn bản hướng dẫn chậm nhất trong tháng 8/2023.