Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu tại các tỉnh phía Nam
Lực lượng chức năng TP. HCM tiêu hủy hàng hóa vi phạm

Nhiều dấu hiệu phức tạp

Mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. HCM cho biết, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 vừa phối hợp với Công an phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức; Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Thủ Đức và Đội 7 (Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. HCM), tiến hành kiểm tra Công ty TNHH DECQB LOGISTICS trên đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, do ông N.D.A làm Giám đốc. Đoàn kiểm tra ghi nhận tại kho lạnh của công ty chứa trữ 24.915 kg nội tạng động vật đông lạnh các loại, không ghi xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng, không hóa đơn chứng từ, tổng trị giá hơn 2,414 tỷ đồng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.

Cùng thời điểm, lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 TP. HCM cũng đã liên tiếp phát hiện, tịch thu, xử lý hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển lưu trữ hàng nghìn chủng loại, đơn vị hàng hóa được xác định không được phép lưu hành trị giá hàng tỷ đồng.

Tại tỉnh Tây Ninh, chỉ tính riêng trong tháng 11/2023, lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 đã phát hiện và bắt giữ 89 vụ/89 đối tượng, tang vật vi phạm trị giá khoảng 4,1 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là thuốc lá điếu (4.650 bao), đường cát, bia... Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh cho biết, tình hình buôn lậu hàng hóa tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tồn tại, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đặc biệt, vào thời gian cuối năm, giáp Tết Nguyên đán, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có diễn biến căng thẳng hơn.

Còn tại tỉnh An Giang, Giám đốc Sở Công thương - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, lợi dụng đời sống khó khăn của cư dân biên giới, các chủ đầu nậu đã thuê “cửu vạn” vận chuyển hàng lậu qua biên giới, từ đó tình hình rất phức tạp. Mặt hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá ngoại, đường cát, vàng, ngoại tệ, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, hàng tiêu dùng… Trong nội địa, một số cơ sở kinh doanh vì mục đích lợi nhuận tiến hành thu mua hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo nhãn mác từ các địa bàn khác, sau đó thuê phương tiện vận chuyển về An Giang tiêu thụ.

Đại diện Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đều cho rằng, thời điểm cuối năm, đặc biệt là những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng sẽ tăng mạnh, các hoạt động lễ hội cũng diễn ra nhiều vào tháng cuối năm dẫn đến tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Kiểm soát chặt, phản ứng nhanh

Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu tại các tỉnh phía Nam
Lực lượng Hải quan kiểm tra hàng dây cáp điện nhập khẩu. Ảnh: TL

Tại TP. HCM, Ban Chỉ đạo 389 TP. HCM vừa ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TP. HCM. Yêu cầu đặt ra cho các ngành chức năng của thành phố là phải chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, xây dựng phương án bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra chặt chẽ tại các cảng hàng không dân dụng, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả.

Rút kinh nghiệm những năm trước, đại diện thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho biết, cuối tháng 11/2023, tỉnh An Giang đã ra quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, đây là hoạt động thường niên trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Ban Chỉ đạo 389 tiếp tục xây dựng kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn sở, ngành, địa phương đấu tranh. Các cơ quan, lực lượng chức năng phối hợp phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm; thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mang tính trọng điểm…

Còn tại tỉnh Bình Dương, địa bàn giáp ranh với TP. HCM, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, thời điểm này đang dồn lực cho đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng theo quy chế phối hợp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, tập trung nhất là các mặt hàng, lĩnh vực: xăng dầu, LPG, mỹ phẩm, thuốc lá ngoại nhập lậu, đường cát, mặt hàng gạo, hóa chất nguy hiểm, độc hại, gia cầm, sản phẩm gia cầm, thương mại điện tử…

Phối hợp chặt chẽ, đấu tranh hiệu quả

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Mục tiêu của kế hoạch là tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.