Chính sách tài khóa là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế Chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế phục hồi, nợ công giảm ngoạn mục Duy trì chính sách tài khóa nhân văn, sẻ chia với doanh nghiệp

Các chính sách hỗ trợ đã đi vào cuộc sống hiệu quả

Bộ Tài chính cho biết, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng.

Chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế hàng trăm nghìn tỷ đồng
Các chính sách tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh tư liệu

Đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (như gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt) và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT), cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Phải song hành nhiều giải pháp hỗ trợ cùng với chính sách tài khóa

“Tôi đồng tình quan điểm rằng phải xem xét song hành các giải pháp hỗ trợ khác như về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính… qua đó tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh chứ không đơn thuần chỉ là giảm thuế, phí” - Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, khoảng 196 nghìn tỷ đồng (trong đó: số tiền được gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 75 nghìn tỷ đồng).

Như vậy, trong thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế.

Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.

Hỗ trợ giảm phí, lệ phí lên đến 100 tỷ đồng/năm

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên cũng có ảnh hưởng nhất định tới việc triển khai công tác về ngân sách nhà nước (NSNN). Mặc dù kết quả thu NSNN của năm 2022 là tích cực, nhưng từ cuối năm 2022 và đặc biệt những tháng đầu năm 2023 đến nay đã cho thấy xu hướng giảm.

Chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế hàng trăm nghìn tỷ đồng
Giảm thuế GTGT giúp kích cầu tiêu dùng.

Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát tình hình thực tế, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội để nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền các giải pháp áp dụng cho năm 2024.

Theo đó, các giải pháp phải gắn với công tác xây dựng, giao dự toán NSNN hàng năm để bảo đảm khả năng cân đối của NSNN cũng như để các địa phương chủ động trong việc thực hiện dự toán cân đối ngân sách địa phương.

Cụ thể, trước mắt sẽ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách giảm (2%) thuế suất thuế GTGT như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 Quốc hội khóa XV và Nghị định số 94/2023/NĐ-CP của Chính phủ để nhanh chóng đưa giải pháp này đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ. Dự kiến thực hiện giải pháp này số tiền thuế được giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Ngày 18/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thông qua Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024, theo đó tiếp tục thực hiện mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 như Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022. Dự kiến thực hiện Nghị quyết này sẽ giảm thu NSNN năm 2024 khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực từ 1/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025).

Với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%, dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Bộ Tài chính đã và đang chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước.

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, trong triển khai các giải pháp tổng thể hỗ trợ nền kinh tế, cần phải cân bằng giữa chính sách tài khóa và các chính sách khác. Những năm vừa qua, khi đại dịch xảy ra, chúng ta đã thực hiện miễn giảm nhiều loại thuế, phí và nhiều chính sách hỗ trợ khác về tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, trước tình hình doanh nghiệp vẫn khó khăn, hầu hết các chính sách này vẫn đang được tiếp tục.

Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, cũng phải cân nhắc một cách hợp lý về nguồn thu. Bởi chính sách thuế không chỉ để giải quyết nguồn thu ngân sách đơn thuần, mà còn là công cụ điều tiết, định hướng phát triển sản xuất theo mục tiêu chúng ta mong muốn. Sử dụng công cụ thuế phải tính đến tác động hai mặt của nó.

“Do vậy, tôi đồng tình quan điểm rằng phải xem xét song hành các giải pháp hỗ trợ khác như về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính… qua đó tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh chứ không đơn thuần chỉ là giảm thuế, phí” - đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho hay.

Các giải pháp phải gắn với dự toán hàng năm, bảo đảm khả năng cân đối NSNN

Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát tình hình thực tế, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội để nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền các giải pháp áp dụng cho năm 2024.

Theo đó, các giải pháp phải gắn với công tác xây dựng, giao dự toán NSNN hàng năm để bảo đảm khả năng cân đối của NSNN cũng như để các địa phương chủ động trong việc thực hiện dự toán cân đối ngân sách địa phương.