Số hoá công tác quản lý, tạo bước đột phá mới

Phát biểu tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2022, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho hay, với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm để phục vụ, những năm qua, ngành Thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Chuyển đổi số ngành Thuế: Lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2022. Ảnh: TN

Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, nhiệm vụ chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, DN tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, chính vì vậy ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa công tác quản lý thuế.

Chia sẻ về kết quả nổi bật trong công tác chuyển đổi số ngành Thuế đạt được, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho hay, đến hết ngày 30/6/2022, ngành Thuế đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho 100% DN, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế.

Tính đến hết tháng 9/2022, số lượng HĐĐT cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 1,5 tỷ hóa đơn. Việc triển khai HĐĐT không những góp phần đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội (như tiết kiệm chi phí in ấn, lưu trữ, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường,…) tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho DN mà còn thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.

Cùng với triển khai thành công HĐĐT, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, 99% DN trong tổng số hơn 870.000 DN sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Việc ngành Thuế đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần hạn chế tiếp xúc xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến ngày 30/9/2022 đã có 36 NCCNN đăng ký, kê khai thuế thành công. Trong đó có 6 NCCNN lớn (Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok,Netfix, Apple) chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam với tổng số thuế đã nộp hàng chục triệu USD, EUR tương đương hàng trăm tỷ VNĐ. Riêng Meta đã nộp 16,8 triệu Euro, Tiktok đã nộp 81,7 tỷ VNĐ…

Đáng chú ý hơn, ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã chính thức công bố ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) và Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN).

Phát triển các ứng dụng tạo thuận lợi cho người nộp thuế

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, để có được sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế, các yếu tố đóng vai trò quyết định đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính và sự vào cuộc của cả hệ thống thuế với các giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, nghiệp vụ; cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý đến việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế. Cùng với đó là sự đồng hành của NNT trong công tác chuyển đổi số, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế.

Chuyển đổi số ngành Thuế: Lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ
Toàn cảnh Diễn đàn Thuế - Hải quan 2022. Ảnh: TN

Với các kết quả đạt được nêu trên, trong 2 năm liên tiếp, Tổng cục Thuế vinh dự được nhận Giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2021 - 2022. Giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc là động lực cho ngành Thuế tiếp tục mở rộng, triển khai các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực thuế phục vụ người dân, DN, đồng thời đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong ngành Thuế trong giai đoạn tiếp theo, góp phần nâng cao hình ảnh của cơ quan thuế đối với người dân, DN.

Chia sẻ về định hướng chuyển đổi số của ngành Thuế giai đoạn 2022 - 2025, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, trong giai đoạn tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thuế sẽ có nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển. Chính vì vậy, để có được sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế, ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho NNT, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế.

9 tháng đầu năm 2022, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành 3 quyết định công bố bãi bỏ 114 thủ tục hành chính (TTHC) và công bố mới 47 TTHC. Trên cơ sở Quyết định công bố TTHC, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai 103/234 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 và tích hợp 97 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế tiếp tục duy trì hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ NNT thống nhất từ Tổng cục Thuế đến 63 cục thuế và 413 chi cục thuế, hoạt động thường xuyên, liên tục và thông suốt 24/7. 9 tháng đầu năm 2022, hệ thống đã tiếp nhận và trả lời được 4.765 câu hỏi, đạt tỷ lệ 90,1% tổng số câu hỏi phải trả lời trong kỳ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngành Thuế triển khai là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai phần mềm HĐĐT đáp ứng các chính sách mới về HĐĐT và mở rộng xây dựng hệ thống Cổng kết nối tiếp nhận dữ liệu HĐĐT được khởi tạo từ máy tính tiền; xây dựng kho cơ sở dữ liệu về HĐĐT và triển khai các giải pháp, công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro về thuế.

Xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thuế tích hợp, tập trung đáp ứng tái thiết kế quy trình nghiệp vụ trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn,…; phát triển và cung cấp các dịch vụ thuế số cho NNT, qua đó, giúp tăng trải nghiệm cho người dân và DN.

Đồng thời triển khai hạ tầng kỹ thuật đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống CNTT ngành Thuế theo định hướng chuyển đổi số (kiến trúc nền tảng hạ tầng kỹ thuật được chuyển đổi theo hướng dịch vụ, phát triển theo xu hướng công nghệ điện toán đám mây; phát triển hạ tầng Internet vạn vật và ứng dụng các công nghệ số mới trong xây dựng các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công tác quản lý thuế).

Với phương châm lấy NNT làm trung tâm để phục vụ, việc triển khai thành công các nhiệm vụ nêu trên sẽ đem lại hiệu quả to lớn trong công cuộc cải cách TTHC thuế, góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ngành Thuế nói riêng và chiến lược chuyển đổi số Quốc gia nói chung./.