VietABank dự kiến tăng vốn gấp đôi, tăng tốc hoàn thành mục tiêu dang dở khi tái cơ cấu Điều gì giúp VietABank báo lãi quý I/2025 cao kỷ lục?

Trong thông báo của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group) gửi các đơn vị, lãnh đạo công ty cho biết, việc thoái bớt vốn nhằm điều chỉnh tỷ lệ sở hữu để tuân thủ quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024.

Tạm tính theo giá đóng cửa ngày 28/05 là 13.900 đồng/cổ phiếu, giao dịch này có thể mang về cho Việt Phương Group khoảng 236,3 tỷ đồng. Nếu thực hiện thành công, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Việt Phương tại VietABank sẽ giảm từ 12,21% (tương đương 65,9 triệu cổ phiếu) xuống còn 9,06% (48,9 triệu cổ phiếu).

Theo quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024, cổ đông tổ chức không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ tại một ngân hàng; 15% nếu tính cả người có liên quan.

Cũng theo Thông tư 52/2024/TT-NHNN ngày 29/11/2024 quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ, Các ngân hàng thương mại có cổ đông sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ phải gửi lộ trình tuân thủ, giảm tỷ lệ đến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) muộn nhất trước ngày 15/5.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương
Danh sách cổ đông nắm tên 1% vốn của VietABank tính đến cuối năm 2024. Ảnh: T.L.

Việt Phương Group là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và vận tải hành khách công cộng, có tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Du lịch Việt Phương, thành lập ngày 5/1/1996. Tháng 3/2007, công ty chuyển đổi lên mô hình tập đoàn.

Đến tháng 12/2019, vốn điều lệ được nâng từ 1.400 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên 11.000 tỷ đồng từ đầu năm 2025. Người đại diện pháp luật hiện nay của Việt Phương Group là bà Phương Minh Huệ, từng là Thành viên Hội đồng Quản trị VietABank giai đoạn 20/6/2020 đến 24/4/2021.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Việt Phương hiện tại là ông Phương Hữu Việt, người từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietABank từ tháng 8/2011 đến tháng 9/2021, trước khi chuyển giao vị trí này cho cháu ruột là ông Phương Thành Long.

Dữ liệu của phóng viên cho thấy, thời gian qua, VietABank có nhiều mối quan hệ tín dụng với doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của Việt Phương Group. Đơn cử, VietABank đã và đang tiếp nhận một loạt tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ việc đầu tư, thực hiện và kinh doanh, khai thác dự án Sơn Trà Resort & Spa giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Sơn Trà để thế chấp bảo đảm cho các khoản vay lớn tại VietABank, với tổng giá trị lên đến 2.200 tỷ đồng, thông qua 4 hợp đồng.

Đây là một trong dự án gặp vướng mắc về thời hạn sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính, nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn từ ngày 1/4/2025.

Trong giai đoạn 5 năm từ 2019 - 2023, Việt Phương Group ghi nhận sự mở rộng đáng kể về quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu. Tổng tài sản của doanh nghiệp tăng gấp gần 3 lần, lên 6.885 tỷ đồng vào năm 2023; trong đó, khoản phải thu ngắn hạn tăng gấp 4,6 lần, lên đến hơn 4.120 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả giảm 3,5 lần xuống 258 tỷ đồng. Xét về hiệu quả kinh doanh, biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ mức 0,1% năm 2019 và cải thiện những năm gần đây.

Tính đến ngày 16/11/2024, VietABank có hai cổ đông tổ chức lớn gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (12,21%) và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Hòa Bình (5,52%). Một số cổ đông tổ chức khác gồm Văn phòng Thành ủy TP.HCM (4,97%), Công ty SJC (2,77%), Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (1,2%).

Trong nhóm cổ đông cá nhân, ông Phương Hữu Việt - Chủ tịch Tập đoàn Việt Phương sở hữu 4,55%; ông Trần Tiến Dũng - Thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc VietABank nắm giữ 1,02%; bà Đỗ Thị Ngọc Hà - em dâu bà Phương Minh Huệ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt Phương, sở hữu 0,13%.

Ở diễn biến khác, HoSE đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết gần 540 triệu cổ phiếu VAB, tương ứng với vốn điều lệ gần 5.400 tỷ đồng của VietABank./.