Bộ Công thương cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Bắc Âu (trừ Phần Lan) đạt 1,6 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 1,1 tỷ USD, tăng 25,1%. Hàng hóa Việt Nam có nhiều lợi thế và dự địa để thâm nhập vào thị trường Bắc Âu.

Còn nhiều dư địa xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường Bắc Âu
Còn nhiều dư địa xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Bắc Âu. Ảnh: TL

Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu Nguyễn Hoàng Thúy cho biết, thủy sản, gạo, dệt may, da giày…, đặc biệt là cá tra là những mặt hàng Việt Nam được thị trường Bắc Âu ưa chuộng.

Doanh nghiệp khu vực Bắc Âu thường mua gạo Japonica từ các nước trong khu vực EU như Tây Ban Nha, Italia, hoặc nhập khẩu từ Nhật Bản, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi được giới thiệu và nhập khẩu thử, các doanh nghiệp đều hào hứng với gạo của Việt Nam do giá chỉ bằng 1/3 - 1/2, nhưng chất lượng không thua kém. Đây là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực EU nói chung và Bắc Âu nói riêng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam thường chọn đưa hàng vào thị trường Bắc Âu thông qua các nhà nhập khẩu trung gian lớn tại Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan và Ba Lan. Vì vậy, theo bà Nguyễn Hoàng Thúy, để nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, vấn đề đặt ra cho công tác phát triển thị trường Bắc Âu trong thời gian tới cần phải có hướng tiếp cận mới.

Theo đó, cơ quan chức năng xúc tiến thương mại và doanh nghiệp cần quảng bá để người tiêu dùng Bắc Âu biết nhiều hơn đến hàng Việt Nam, về chất lượng sản phẩm, cần coi trọng vấn đề an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường trong sản phẩm khi đó các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu nhiều hàng Việt Nam./.