Công tác giải phóng mặt bằng dự án cầu Rạch Miễu 2 gặp khó
Nhà thầu tập trung thiết bị máy móc cho việc thi công nhưng công tác bàn giao mặt bằng vẫn gặp khó. Ảnh: Kỳ Phương

BQL dự án Mỹ Thuận cho biết, ngày 29/9/2021, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có quyết định đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2, với tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 1.279 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị hơn 3.030 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và các khoản chi phí khác gần 304 tỷ đồng; chi phí dự phòng hơn 561 tỷ đồng. Chiều dài dự án 17,6 km.

4/6 gói thầu xây lắp đã ký hợp đồng gồm XL-01, XL-04, XL-05, XL-06; 02 gói thầu XL02, XL03 hiện đang đánh giá hồ sơ dự thầu và dự kiến sẽ ký hợp đồng trong tháng 2/2023.

Tiến độ tổng dự án đến nay đạt bình quân 12,88% (đối với các gói đã khởi công). Tích lũy giải ngân từ đầu dự án đến nay đạt hơn 1.744 tỷ đồng/2.182 tỷ tổng vốn (đạt 80%).

Hiện nay, tình trạng giải phóng mặt bằng dự án đã bàn giao được: 9,56/17,6 km khoảng (54,3%). Trong đó, tỉnh Tiền Giang đã bàn giao 2,18/7,95 km tương đương (27,4%), phía tỉnh Bến Tre đã bàn giao được 7,38/9,65 Km khoảng (76,5%).

BQL dự án Mỹ Thuận thông tin, dự án đang vướng mắc chậm bàn giao mặt bằng nên không đủ điều kiện khởi công gói thầu và mặt bằng bàn giao không liên tục.

Cụ thể, ở gói thầu XL-01 không đủ điều kiện để thi công, kể từ tháng 3/2022 đến nay địa phương chưa bàn giao thêm. Các gói XL-04, XL-05, XL-06 đã thông báo khởi công dự án, công tác xử lý đất yếu phải gia tải chờ lún bình quân 14 tháng, tuy nhiên đến nay nhiều phạm vi vẫn chưa có mặt bằng thi công hoặc mặt bằng không đủ điều kiện để tiến hành thi công xử lý nền.

Theo số liệu ước tính, đến nay chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.738/1.270 tỷ đồng theo tổng mức đầu tư dự án được duyệt (tăng 1.459 tỷ đồng, Tiền Giang tăng 1.104 tỷ đồng tỷ lệ 234%; Bến Tre tăng 356 tỷ lệ 178%). Công tác cung cấp số liệu tổng chi phí giải phóng mặt bằng chậm, đến ngày 8/2/2023 các địa phương mới cung cấp được tổng chi phí, ảnh hưởng đến công tác trình thủ tục điều chỉnh chủ trương dự án.

Trên cơ sở đó, BQL dự án Mỹ Thuận đã kiến nghị tỉnh Tiền Giang cần tích cực vận động và có giải pháp đối với các hộ dân đã nhận tiền để sớm bàn giao mặt bằng, đặc biệt ưu tiên các vị trí phải xử lý nền đất yếu.

Ngoài ra, BQL cũng kiến nghị cần xem xét tách từng phần để phê duyệt trước phương án đền bù, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân nằm trong phạm vi xử lý đất yếu: Phạm vi (km 4+260 - Km 5+200 dài 940m) tuyến mới thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành và chi trả hết vốn đã bố trí theo tổng mức đầu tư đã duyệt (hiện nguồn vốn chưa chi khoảng 310 tỷ: 134 tỷ chưa duyệt phương án + 176 tỷ chưa chi trả cho các hộ dân ở TP. Mỹ Tho, do các hộ chưa đồng ý nhận tiền); đẩy nhanh thủ tục khu tái định cư để sớm bàn giao cho các hộ dân và sớm phê duyệt thiết kế - dự toán, lựa chọn nhà thầu và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đối với tỉnh Bến Tre, cần tiếp tục vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng, đặc biệt có giải pháp đối với các hộ dân chưa đồng thuận và các hộ đã nhận tiền nhưng chưa di dời nhà (145 hộ chưa di dời trong đó có 112 nhà); sớm hoàn thành công tác di dời hạ tầng điện và di dời hạ tầng đường điện.

BQL dự án Mỹ Thuận đã có văn bản báo cáo ngày 19/12/2022 và văn bản giải trình bổ sung ngày 31/1/2023 kiến nghị cho phép triển khai thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; kiến nghị Bộ GTVT sớm có ý kiến chính thức để triển khai các bước tiếp theo.