Lợi nhuận TPBank năm 2024 tăng 36% TPBank đặt mục tiêu đưa lợi nhuận vượt đỉnh, đạt 9.000 tỷ đồng năm 2025 "Cơn sóng" tăng vốn đổ bộ mùa đại hội cổ đông ngân hàng

Phát biểu tại Đại hội, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank nhấn mạnh, năm 2024, ngân hàng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đại hội đề ra. Từ năm 2012 bắt đầu quá trình tái cơ cấu với chỉ 55.000 khách hàng, đến nay TPBank phục vụ hơn 14 triệu khách hàng, đặc biệt, số lượng giao dịch kênh số tăng "vũ bão" 60%, giá trị giao dịch tăng trên 35%.

Vững đà nhờ ngân hàng số, tinh gọn để tăng tốc

TPBank không ngừng nâng cao trải nghiệm số, mang đến dịch vụ ngân hàng hiện đại, thuận tiện và nhanh chóng cho người dùng, khẳng định vị thế ngân hàng số hàng đầu với 2,1 triệu khách hàng mới trong năm. Cũng theo Chủ tịch TPBank, là một ngân hàng phát triển trên nền tảng số, con số 14 triệu khách hàng chưa phải con số lớn, hiện TPBank đang chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về phương án phục hồi Công ty Tài chính Cổ phần Handico (HAFIC) để có công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Cùng với đó, các chỉ số tài chính tiếp tục tích cực như: tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt hơn 13%, vượt chuẩn Basel III; tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh từ mức 40% xuống còn 34,78%, thể hiện hiệu quả vận hành cải thiện rõ nét. Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng, năm nay ngân hàng sẽ tiếp tục tinh gọn bộ máy giúp tối ưu chi phí, khi tăng doanh thu có rào cản và áp lực cạnh tranh nhất định.

Đa dạng hoá nguồn thu, đưa lợi nhuận tăng bứt phá

Đại hội đồng cổ đông TPBank 2025 thông qua kế hoạch kinh doanh năm với mục tiêu kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, nâng cao chất lượng tài sản, nhằm đưa lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước và vượt mức đỉnh cao đã đạt được vào năm 2022 (7.828 tỷ đồng). Để đạt được mục tiêu, tổng tài sản dự kiến tăng 7,6% lên 450.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng khoảng 20% lên 313.750 tỷ đồng, huy động vốn tăng 12,3% lên 420.000 tỷ đồng.

Đánh giá bối cảnh kinh doanh năm 2025, theo lãnh đạo TPBank, thế giới chưa bao giờ chứng kiến mức độ phân hoá sâu sắc như hiện nay, căng thẳng địa chính trị leo thang, chiến tranh được đẩy lên thành những cuộc thương chiến ngoài dự đoán.

Các cuộc đối đầu này kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế và tài chính toàn cầu, giá vàng vượt mốc kỷ lục mọi thời đại, người dân và nhà đầu tư đổ xô tìm đến các kênh trú ẩn an toàn.

Trong bối cảnh đó, việc nhận diện đúng các thách thức và chủ động tìm giải pháp vượt qua là vô cùng cấp thiết, đặc biệt với Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở cao và dễ bị tác động bởi những biến động bên ngoài.

TPBank tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025
Đồ hoạ: Ánh Tuyết.

Hiện thực hóa mục tiêu 2025, ngay từ quý I/2025, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.108 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước dù "mùa trũng" kinh doanh của hầu hết các ngân hàng. Tổng thu nhập hoạt động đạt gần 4.500 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập thuần từ dịch vụ trở thành điểm sáng khi tăng 27% so với cùng kỳ, đẩy tỷ trọng thu nhập dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động lên trên 20%, so với mức 15% cùng kỳ.

Sẵn sàng “bắc cầu”, hỗ trợ khách hàng khó khăn vì thương chiến

Theo tờ trình phân phối lợi nhuận, sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối năm 2024 của ngân hàng đạt 4.851 tỷ đồng. Đáng chú ý, TPBank bổ sung phương án chia cổ tức bằng tiền mặt và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong năm nay. Theo tờ trình mới, TPBank sẽ chi trả cổ tức 10% bằng tiền mặt, sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ.

TPBank cũng dự kiến phát hành hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 5% (100 cổ phiếu nhận 5 cổ phiếu), tổng giá trị phát hành ước tính gần 1.321 tỷ đồng. Nguồn vốn sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ. Nếu phương án này được thông qua, vốn điều lệ sẽ tăng lên hơn 27.740 tỷ đồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu.

Tại phiên thảo luận, các cổ đông bày tỏ sự quan tâm đến nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, nổi bật là tác động của căng thẳng thương mại toàn cầu đối với hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và khu vực doanh nghiệp FDI, tỷ trọng của nhóm khách hàng này trong danh mục của TPBank cũng như các kế hoạch hỗ trợ cụ thể từ phía ngân hàng; khả năng tăng tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Ngoài ra, hiện các ngân hàng thương mại hiện giữ lãi suất cho vay ở mức thấp, TPBank sẽ duy trì biên lãi ròng (NIM) ra sao?

TPBank tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của ngân hàng TPBank. Ảnh: TPBank.

Giải đáp câu hỏi của cổ đông, Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng cho biết, danh mục dư nợ liên quan đến nhóm khách hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ hiện khoảng 10.800 tỷ đồng, rất nhỏ so với dư nợ cho vay. Với tình hình hiện nay, TPBank thận trọng trong việc cấp tín dụng mới xuất khẩu đi Mỹ. Hiện nhiều lĩnh vực gặp khó khăn do thuế suất cao trong khi biên lợi nhuận xuống thấp, chỉ dưới 10%. Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường Mỹ trở nên ngày càng thách thức hơn, khiến kế hoạch mở rộng hoặc duy trì thị trường này với nhiều doanh nghiệp không còn khả thi như trước.

Tuy nhiên, ông Hưng nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng hiện tại là không lớn và ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng khách hàng, chủ động theo dõi để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Với nhóm doanh nghiệp FDI, phần lớn không vay vốn từ các ngân hàng trong nước, do đặc thù thường sử dụng ngân hàng chính quốc để tài trợ vốn, họ giao dịch chủ yếu với TPBank qua thanh toán và kinh doanh ngoại tệ, nên mức độ ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng của ngân hàng là không nhiều.

"Có chăng có 2-3 doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó, chúng tôi cùng có phương án để hỗ trợ họ để cơ cấu lại sản xuất nếu cần thiết" - ông Hưng nêu rõ.

Chủ tịch Đỗ Minh Phú bổ sung thêm, "con bài" cuối cùng vẫn chưa được lật, mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh, ngân hàng ứng phó với tâm thế "nước đến đâu, bắc cầu đến đấy", sẵn sàng đối phó và dự tính trước kịch bản khi khách hàng khó khăn để chia sẻ./.

Giữ NIM trong thách thức “tấm chăn ngắn”

Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, ngân hàng phải đảm bảo các mức giới hạn, các chỉ tiêu như hệ số an toàn vốn (CAR), hạn mức tăng trưởng tín dụng cho phép, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn..., TPBank buộc phải tuân thủ chặt chẽ và duy trì hiệu quả hoạt động. Ví von giống như "tấm chăn ngắn", TPBank vừa phải đáp ứng các chỉ tiêu an toàn, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, hỗ trợ khách hàng và tham gia các chương trình ưu đãi, theo ông Hưng, việc giữ được NIM là một thách thức lớn. Để làm được điều đó, TPBank hài hoà đáp ứng các mục tiêu, thông qua đẩy mạnh tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) nhằm giảm giá vốn, đồng thời chủ động tái cơ cấu nguồn vốn theo hướng hợp lý và hiệu quả./.