DATC: Hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh doanh và nhiệm vụ chính trị
Chương trình Đối thoại 2023 với chủ đề Hành trình mang sứ mệnh "bà đỡ" do DATC tổ chức. Ảnh: TL
DATC vào top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất DATC chung tay vực dậy thành công doanh nghiệp hàng hải hàng đầu Việt Nam DATC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra DATC hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu năm 2022 DATC: Nhìn lại 20 năm hành trình mang sứ mệnh "bà đỡ"

Nhiều chỉ tiêu kinh doanh hoàn thành vượt mức

Theo báo cáo, năm 2022, DATC triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, tác động đáng kể đến các nhiệm vụ công tác của DATC trong năm. Song với tinh thần nỗ lực và quyết tâm cao vượt khó của tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên, công ty đã khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ để hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu Bộ Tài chính giao.

Các chỉ tiêu tài chính được cải thiện đáng kể

Theo báo cáo tài chính năm 2022, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của công ty có sự cải thiện đáng kể.

Cụ thể, tài sản nợ phải trả/tổng nguồn vốn là 5,08%, giảm so với mức 9,6% của kỳ trước. Nguồn vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn tăng lên 94,92% so với mức 90,4% kỳ trước. Khả năng thanh toán nhanh đạt 18,8 lần so với mức 10,13 lần của kỳ trước. Khả năng thanh toán hiện hành đạt 18,9 lần so với 10,19 lần của kỳ trước.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản tăng lên 3,93%, so với mức 2,61% của năm ngoái. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần đạt 15,32%, tăng so với 13,73% của năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu đạt 4,37% so với 3,04% của năm 2021.

Cụ thể, năm 2022 tổng doanh thu của công ty đạt 1.873 tỷ đồng, bằng 113% kế hoạch được giao. Lợi nhuận trước thuế là 325 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch được giao. Lợi nhuận sau thuế là 260 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch được giao. Mức nộp ngân sách nhà nước tăng lên 290 tỷ đồng, đạt 127% kế hoạch được giao.

Cũng trong năm 2022, bám sát các nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao, DATC đã chủ động, tích cực, kịp thời báo cáo, kiến nghị giải pháp xử lý đối với các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan tới tái cơ cấu nợ của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Đồng thời, tiếp tục thực hiện các hoạt động liên quan tới xử lý nợ, hỗ trợ các thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Ở lĩnh vực mua bán nợ và tài sản, trong năm 2022 DATC đã ký hợp đồng mua và xử lý khoảng 5.023 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản là 1.743 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch, đồng thời có một số phương án lớn đang thực hiện dở dang gối đầu cho năm sau.

Ngoài ra, công ty đã hoàn thành thủ tục tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ tại 10 doanh nghiệp với giá trị tiếp nhận là 22,5 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2004 đến 31/12/2022, toàn công ty đã tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ của 2.724 doanh nghiệp, với giá trị tiếp nhận 6.228,7 tỷ đồng. Trong năm 2022, công ty cũng đã hoàn thành thoái vốn tại 4 doanh nghiệp với tổng doanh thu thoái vốn đạt 57,44 tỷ đồng.

Hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp phục hồi

Liên quan đến các khoản đầu tư tài chính, DATC cho biết tính đến 31/12/2022, công ty còn duy trì vốn đầu tư tại 20 doanh nghiệp với tổng giá trị đầu tư 604,186 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư bằng hình thức chuyển nợ thành vốn góp tại 14 doanh nghiệp với số tiền là 564,779 tỷ đồng (chiếm 93,48% tổng giá trị đầu tư).

Chuyển nợ thành vốn góp là nghiệp vụ quan trọng trong quá trình DATC tham gia mua bán, xử lý nợ, hỗ trợ các doanh nghiệp tái cơ cấu. Thông qua các giải pháp này, DATC đã hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp gỡ bỏ được gánh nặng tài chính từ các khoản nợ và tài sản đã đầu tư không hiệu quả, đồng thời tạo nguồn thu hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước thông qua thuế, bảo hiểm xã hội, tạo thêm công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động.

Rất nhiều doanh nghiệp được DATC mua nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu thông qua chuyển nợ thành vốn góp đã phát triển tốt, kinh doanh có hiệu quả, các chỉ tiêu doanh thu, cổ tức, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động năm sau cao hơn năm trước như Công ty cổ phần đường Kon Tum, Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, Công ty cổ phần Vitaly...

Khi thực hiện các khoản đầu tư như vậy, hàng năm DATC đều thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo quy định để đảm bảo an toàn tài chính, đảm bảo thanh khoản cho các hoạt động của công ty, bảo toàn vốn của Nhà nước.

Với bề dày kinh nghiệm là công ty tiên phong trong lĩnh vực mua bán, xử lý nợ, hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu, công tác quản lý vốn đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn góp của công ty liên tục được cải thiện, đổi mới theo hướng tăng cường giám sát các hoạt động của doanh nghiệp, không ngừng nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ đại diện vốn theo quy định tại Quy chế Quản lý người đại diện, từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý vốn. Theo báo cáo tài chính năm 2022 của công ty được công bố đầu năm, hầu hết các chỉ tiêu tài chính cơ bản của công ty đều có sự cải thiện.

Đảm bảo đời sống cho người lao động

Ngoài thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh, tại báo cáo này DATC cũng công bố cụ thể về tình hình sử dụng lao động, mức tiền lương, thưởng của người quản lý và người lao động tại doanh nghiệp.

Theo đó, mức lương của người quản lý tại doanh nghiệp từ 27 triệu - 33 triệu đồng/tháng. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức lương bình quân của người quản lý tại doanh nghiệp nhà nước năm 2022 khoảng 40 triệu đồng/tháng.

Từ năm 2013 tới nay, lương của người quản lý doanh nghiệp nhà nước giữ 100% vốn được tính theo bảng lương cơ bản tính theo chức vụ và xếp hạng doanh nghiệp, trường hợp lợi nhuận kế hoạch năm sau cao hơn năm trước, sẽ được tính theo hệ số tăng thêm. Hệ số tăng thêm từ 0,5 - 1 lần lương cơ bản áp dụng với lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước được tính theo lợi nhuận của từng nhóm ngành nghề (ngân hàng, tài chính, viễn thông, dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ).

Đối với người lao động, mức lương bình quân năm 2022 của người lao động tại công ty vào khoảng 30 triệu đồng/tháng, tuy nhiên mức lương của DATC không ổn định, có năm chỉ khoảng 18 triệu đồng/tháng. Mức lương này cũng chỉ tiệm cận tiền lương bình quân của người lao động tại tập đoàn, tổng công ty (đạt 17 - 18 triệu đồng/tháng, theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

Theo báo cáo, năm 2022, DATC đã thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, chế độ tiền lương đối với người lao động, đảm bảo thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, công ty đã áp dụng những chế độ, chính sách để khuyến khích, động viên người lao động phù hợp với quy định nhà nước và thỏa ước tập thể như đào tạo, tập huấn, khen thưởng phúc lợi… Những chính sách này trong năm 2022 đã thực sự phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy nỗ lực và đóng góp của người lao động trong việc hoàn thành những mục tiêu chung của công ty.

20 năm hành trình mang sứ mệnh "bà đỡ"

Tháng 6 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập công ty, DATC đã tổ chức Chương trình Đối thoại 2023 với chủ đề Hành trình mang sứ mệnh "bà đỡ". Chương trình nhằm ôn lại truyền thống và tôn vinh những đóng góp của các thế hệ đi trước để từ đó hướng tới xây dựng một DATC ngày càng vững mạnh.

20 năm trước, ngày 5/6/2003, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 109 đánh dấu sự ra đời của DATC. Hai mươi năm trôi qua, từ một công ty mới thành lập với nhiệm vụ xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đến nay, DATC luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định vị thế đi đầu trong hoạt động mua bán nợ, là công cụ hữu hiệu của Chính phủ.

DATC đã góp phần tạo lập và định hình thị trường mua bán nợ cho nền kinh tế, đã hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp xử lý nợ đọng để phục hồi và phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và tăng thu cho ngân sách nhà nước.