![]() |
Các cục dự trữ nhà nước khu vực bảo quản an toàn hàng dự trữ, sẵn sàng xuất cấp hàng hóa. Ảnh: Đức Minh |
Nhiều đề tài áp dụng hiệu quả trong thực tiễn
Theo ông Đỗ Đình Cẩn - Phó Vụ trưởng Vụ khoa học và Công nghệ bảo quản, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN), công nghệ bảo quản lương thực, nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức dự trữ quốc gia (DTQG) có bước phát triển mới trong thời gian qua.
12 mặt hàng dự trữ đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc giaTổng cục Dự trữ Nhà nước đã xây dựng trình Bộ Tài chính ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các hàng DTQG. Đến nay 12 trên 16 mặt hàng do Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang bảo quản đã có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ được giao. |
Thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học là đã nghiên cứu và triển khai áp dụng thành công trong toàn ngành các công nghệ bảo quản lương thực mới (bảo quản gạo trong môi trường kín có bổ sung khí N2, CO2; bảo quản thóc trong điều kiện áp suất thấp). Ứng dụng của các phương pháp này mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng thóc, gạo bảo quản và giảm tỷ lệ hao hụt góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công nghệ bảo quản kín nhằm tìm kiếm phương pháp bảo quản tối ưu, Tổng cục DTNN tích cực phối hợp cùng với các đơn vị để nghiên cứu, thực nghiệm nhằm hoàn thiện phương pháp bảo quản kín có bổ sung khí N2 ở nồng độ cao ≥ 98%; tiếp tục nghiên cứu kéo dài thời gian lưu kho gạo trên 18 tháng, thóc trên 30 tháng đối với các đơn vị phía Bắc, miền Trung và trên 18 tháng đối với các đơn vị Đồng bằng Nam Bộ. Đề tài “Nghiên cứu giải pháp kéo dài thời hạn lưu kho đối với gạo DTQG bảo quản trong môi trường khí Nitơ trên 98%” đã cho hướng khả quan trong việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng gạo bảo quản và kéo dài thời hạn bảo quản gạo lên đến 24 tháng.
Các phương pháp bảo quản mới đã làm thay đổi môi trường, điều kiện làm việc, hạn chế sự suy giảm chất lượng thóc, gạo trong thời gian bảo quản, giảm đáng kể tỷ lệ hao hụt, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kéo dài thời gian lưu kho. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu các đề tài đối với thóc, gạo, muối ăn, máy phát điện, nhà bạt, phao tròn DTQG, phao áo DTQG, bè cứu sinh nhẹ DTQG, thiết bị khoan cắt...
Bên cạnh lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ bảo quản thời gian gần đây lĩnh vực khoa học quản lý được các đơn vị lựa chọn triển khai. Kết quả nghiên cứu đã góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn trong công tác quản lý góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành hoạt động DTQG.
Đơn cử như đề tài: “Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê dự trữ quốc gia; đề tài hoàn thiện hệ thống pháp luật về Dự trữ quốc gia”; “Xây dựng hệ thống vị trí việc làm các tổ chức thuộc và trực thuộc Tổng cục DTNN”; “Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước của Tổng cục DTNN”; “Nghiên cứu, xây dựng bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành trong hoạt động của Tổng cục DTNN”; “Nghiên cứu triển khai số hóa tài liệu lưu trữ tại Tổng cục DTNN”; "Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia”; "Nghiên cứu đổi mới công tác mua, nhập hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý”;...
Đề xuất nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu đạt được đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức thực hiện. Trong đó có giải pháp mang tính đột phá, có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Trên cơ sở mục tiêu, định hướng Nghị quyết 57, lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản đã đề xuất một số giải pháp để nâng tầm triển khai công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Trước hết, Tổng cục DTNN cần làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, động viên cán bộ công chức (CBCC) nhận thức đầy đủ, sâu sắc công tác nghiên cứu khoa học cũng là một nhiệm vụ của mỗi công chức. Qua nghiên cứu khoa học giúp CBCC hệ thống lại kiến thức chuyên môn và bổ sung, hoàn thiện, cập nhật những kiến thức mới, đồng thời rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo, làm việc độc lập, rèn luyện kỹ năng thuyết trình...
Bên cạnh đó, thủ trưởng các đơn vị cần quan tâm tạo điều kiện thời gian khuyến khích cán bộ, công chức tham gia nghiên cứu khoa học các lĩnh vực, khoa học công nghệ, khoa học quản lý; tạo điều kiện để cán bộ, công chức được tiếp cận, tham gia hội thảo khoa học của bộ, ngành; giao lưu học hỏi và trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi, học tập kinh nghiệm công nghệ bảo quản hàng và khoa học quản lý hàng DTQG tại các nước phát triển có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Cần nghiên cứu, sửa đổi các định mức cho phù hợp với thực tiễn và giảm bớt các thủ tục, hồ sơ trong khâu thanh quyết toán.
Để nâng cao chất lượng đề tài nghiên cứu bên cạnh sự đầu tư, nỗ lực của nhóm đề tài cần nâng cao chất lượng tư vấn của các thành viên trong hội đồng ngay từ khâu phê duyệt đề tài, đưa ra phương án phù hợp nhất, tối ưu nhất để triển khai thực hiện đề tài.
Giảm nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa họcTheo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, số lượng đề tài, nhiệm vụ khoa học của Tổng cục giảm trong giai đoạn gần đây. Theo số liệu thống kê trong giai đoạn 2016-2020, tổng số có 19 đề tài, nhiệm vụ khoa học cơ sở và 4 đề tài cấp Bộ được phê duyệt và thực hiện; trung bình 3,2 đề tài cơ sở/năm. Trong giai đoạn 2021-2024, tổng số có 5 đề tài, nhiệm vụ khoa học cơ sở và 1 đề tài cấp Bộ thực hiện; trung bình 1,2 đề tài cơ sở/năm. Số lượng đề tài giảm vì nhiều nguyên nhân. Trong giai đoạn trước Tổng cục có kế hoạch triển khai sửa đổi bổ sung hệ thống quy chuẩn Việt Nam (QCVN) nên việc lựa chọn đề tài có thuận lợi, trước khi triển khai nhiệm vụ xây dựng QCVN. Đến nay một số đề tài nghiên cứu không được phê duyệt do phải tiến hành nghiên cứu với đối tượng nghiên cứu là các mặt hàng DTQG có số lượng thử nghiệm lớn, tương đồng với thực tiễn. Trong khi kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học hạn hẹp, không thể dùng kinh phí của đề tài mua hàng để nghiên cứu thử nghiệm. Qua theo dõi thời gian trước đây các đề tài đều tiến hành áp dụng thử nghiệm trên hàng DTQG. Trong những năm qua kết quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ ngành DTQG đã đạt được kết quả thiết thực, đáng ghi nhận, các đề tài triển khai nghiên cứu hầu hết đều được ứng dụng vào thực tiễn hoạt động của ngành. Tuy nhiên cũng giống như thực trạng công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ của nước ta hiện nay, còn một số đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu chưa được ứng dụng vào thực tiễn, còn ít thông tin mới, kết quả nghiên cứu chưa mang tính đột phá. |