Cân nhắc quy định chi lương từ lợi nhuận sau thuế

Tại cuộc tọa đàm, một trong những vấn đề nhiều đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện lực quan tâm là phân phối lợi nhuận sau thuế và mục đích sử dụng Quỹ đầu tư phát triển từ nguồn lợi nhuận sau thuế để tại doanh nghiệp.

Đề xuất bổ sung mục đích sử dụng của Quỹ Đầu tư phát triển
Cuộc tọa đàm diễn ra chiều ngày 19/8.

Trong đó, về phân phối lợi nhuận sau thuế, dự thảo Luật quy định tiền lương, tiền thưởng của người do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp lấy từ lợi nhuận sau thuế. Đây là nội dung bám sát tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về tiền lương, theo đó xác định “từng bước tiến tới thuê hội đồng thành viên độc lập và trả lương cho hội đồng thành viên, kiểm soát viên từ lợi nhuận sau thuế”.

Theo đại diện Genco 2, quy định này cơ bản gắn với trách nhiệm của người quản lý trong việc điều hành hoạt động kinh doanh, tạo động lực phấn đấu doanh nghiệp có lợi nhuận, người lao động có thu nhập. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp thua lỗ do yếu tố khác quan.

Đơn cử như với EVN thì do đặc thù các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều nhiệm vụ công ích, giá đầu ra chưa theo cơ chế thị trường hoàn toàn mà vẫn do Nhà nước kiểm soát giá. Do đó, các doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh bị lỗ, có lợi nhuận thấp không đủ trích để trả lương, tiền thưởng hoặc các doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận có thể sẽ khó khăn, không đảm bảo đời sống cho người lao động.

Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp, trường hợp kết quả sản xuất kinh doanh phát sinh lỗ, không còn nguồn quỹ Đầu tư phát triển, nguồn tiền lương của các đối tượng này dự thảo Luật quy định lấy từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư khác, trường hợp kết quả sản xuất kinh doanh phát sinh lỗ, không còn nguồn quỹ Đầu tư phát triển, nguồn tiền lương cho các đối tượng này chưa quy định xác định nguồn chi, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đề xuất bổ sung mục đích sử dụng của Quỹ Đầu tư phát triển

Bà Trịnh Thúy Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc EVNGNCO 1 phát biểu tại hội thảo

Theo bà Đỗ Thị Loát - Trưởng ban Kiểm soát EVN, hiện cơ chế giá bán điện bình quân mà EVN đang thực hiện chưa đảm bảo bắt kịp giá thành sản xuất do phải đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cung ứng điện theo quan điểm của Nhà nước. Vì vậy, trong năm 2022 và 2023 và nửa đầu năm 2024, EVN liên tục ghi nhận thua lỗ.

Dự thảo quy định trường hợp không còn nguồn trả lương có thể lấy từ ngân sách. Tuy nhiên, đại diện EVN băn khoăn theo quy định việc sử dụng ngân sách phải được dự toán từ năm trước đó. Trong khi việc kinh doanh của doanh nghiệp không thể biết trước năm nào sẽ có lợi nhuận hay thua lỗ. Do đó, đề nghị đưa khoản tiền lương này hạch toán vào chi phí.

Tán thành phương án trích Quỹ đầu tư phát triển tối đa 80%

Dự thảo quy định thứ tự phân phối lợi nhuận sau thế gồm các nội dung theo thứ tự ưu tiên: Chi tiền lương, tiền thưởng; Trích Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi; Trích Quỹ đầu tư phát triển,..

Về tỷ lệ trích lập Quỹ đầu tư phát triển từ lợi nhuận sau thuế, đại diện các doanh nghiệp đều bày tỏ ủng hộ phương án cơ quan soạn thảo đề xuất là trích tối đa 80% để đảm bảo cân đối lợi ích của Nhà nước và nhu cầu đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

Đối với mục đích sử dụng Quỹ, nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo quy định sử dụng Quỹ để xử lý tài chính đối với các dự án kinh doanh thua lỗ do điều kiện khách quan theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Đề xuất bổ sung mục đích sử dụng của Quỹ Đầu tư phát triển
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc Lê Minh Tuấn phát biểu.

Ngoài ra, trên cơ sở thực tế phát sinh trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc Lê Minh Tuấn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cho phép sử dụng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp để chi cho các chi phí thực hiện dự án đã thực hiện nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư nhưng không triển khai hoặc dừng thực hiện. Đồng thời, hỗ trợ chi tiền lương cho người lao động các Ban quản lý dự án trực thuộc doanh nghiệp do hiện nay định mức chi phí quản lý dự án còn thấp, thời gian thực hiện dự án thường kéo dài dẫn đến các Ban quản lý dự án không đảm bảo nguồn chi phí để chi cho công tác quản lý dự án và chi tiền lương cho người lao động.

Về việc điều chuyển Quỹ đầu tư phát triển giữa các doanh nghiệp, theo EVN, việc có cơ chế điều chuyển Quỹ này tạo sự linh hoạt trong cơ chế bố trí vốn với mục đích đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh, dự án tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp làm giảm hoặc có nguy cơ hoặc bị các nhà đầu tư/tổ chức khác đánh giá làm giảm tiềm lực của doanh nghiệp, hạn chế sự chủ động/động lực phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị xem xét điều chỉnh theo hướng phương án điều chuyển giữa các doanh nghiệp là phương án được xem xét lựa chọn trong trường hợp phải nộp về ngân sách nhà nước.