Việc áp dụng thuế ưu đãi đối với DN nhỏ, siêu nhỏ có ý nghĩa thúc đẩy DN phát triển

Việc áp dụng thuế ưu đãi đối với DN nhỏ, siêu nhỏ có ý nghĩa thúc đẩy DN phát triển và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế TNDN từ 15 - 17% cho các DN này. Việc giảm thuế sẽ góp phần giúp các DN nhỏ có thêm nguồn lực tài chính, để tiếp tục phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Áp dụng mức thuế từ 15 – 17% cho khoảng 93% DN

Tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 DN đang hoạt động. Trong cơ cấu DN của Việt Nam, nhóm DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số DN tại Việt Nam và các DN này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.
Theo dự thảo nghị quyết, thuế suất 15% áp dụng đối với trường hợp DN siêu nhỏ - có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.

Thuế suất 17% áp dụng đối với trường hợp DN nhỏ - có tổng doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người (trừ DN quy định nêu trên).

Ngoài ra, dự thảo nghị quyết còn miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh phải đáp ứng điều kiện đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật, đồng thời có thời gian sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 12 tháng tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu.

DN thành lập mới được miễn thuế theo quy định tại khoản này là DN đăng ký kinh doanh lần đầu, không bao gồm trường hợp DN thành lập mới mà người đại diện theo pháp luật (trừ trường hợp người đại diện theo pháp luật không phải là thành viên góp vốn), thành viên hợp danh hoặc người có số vốn góp cao nhất đã tham gia hoạt động kinh doanh với vai trò là người đại diện theo pháp luật, thành viên hợp danh hoặc người có số vốn góp cao nhất trong các DN đang hoạt động hoặc đã giải thể nhưng chưa được 12 tháng, tính từ thời điểm giải thể DN cũ đến thời điểm thành lập DN mới.

Thu ngân sách giảm khoảng 15.500 tỷ đồng/năm


Theo đánh giá sơ bộ, việc thực hiện các giải pháp tại dự thảo nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 15.500 tỷ đồng/năm (trong đó giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với DN nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.900 tỷ đồng/năm; giải pháp giảm thuế suất cho DN nhỏ và siêu nhỏ khoảng 12.600 tỷ đồng/năm). Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối NSNN, nhưng sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với DN nhỏ và siêu nhỏ.

Thời gian miễn thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên DN có thu nhập chịu thuế, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu thì thời gian miễn thuế được tính từ năm thứ tư.

Mức thuế suất ưu đãi 15% và 17% không áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (trừ nhà ở xã hội quy định tại Luật Thuế TNDN), thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản... Quy định này nhằm tránh các trường hợp DN thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên.

Thêm nguồn lực tài chính hỗ trợ DN

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, DN có quy mô nhỏ luôn là đối tượng được chú trọng trong các chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển nhóm DN này; trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng.

Thực tế tại Việt Nam, với đa số DN là DN siêu nhỏ, DN nhỏ và các DN càng có quy mô nhỏ thì càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, trong những thời điểm khó khăn trước tác động, ảnh hưởng của suy thoái, khủng hoảng kinh tế giai đoạn vừa qua (từ 2008 - 2015), Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho một số đối tượng DN thuộc nhóm DN nhỏ và vừa và tại Luật Thuế TNDN (sửa đổi) cũng đã xác định DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (là DN có tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng mức thuế suất (20%), thấp hơn mức thuế suất phổ thông (25%, 22%) trong giai đoạn 2013 – 2015.

Việc đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi đối với DN nhỏ và siêu nhỏ như nêu trên nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải. Có ý kiến cho rằng, nên áp dụng chính sách ưu đãi đối với cả DN có quy mô vừa. Thực tế là tính cả số lượng DN có quy mô vừa thì nhóm DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới trên 97% tổng số DN tại Việt Nam và nếu việc áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho cả DN vừa thì gần như toàn bộ DN tại Việt Nam đều được hưởng ưu đãi. Nếu thực hiện như vậy sẽ không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển, đồng thời có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa DN vừa với các DN nhỏ, DN siêu nhỏ trong khi nhóm DN vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn (vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...).

Việc áp dụng thuế ưu đãi đối với DN nhỏ, siêu nhỏ có ý nghĩa thúc đẩy DN phát triển và mở rộng sản xuất và đặc biệt là khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình DN (thuộc nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ), theo mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc giảm thuế sẽ góp phần giúp các DN có thêm nguồn lực tài chính, để tiếp tục phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh. Chính sách thuế mới này sẽ tạo động lực mới tích cực, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình DN và nó càng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh DN đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trình Quốc hội theo trình tự rút gọn, để DN sớm được ưu đãi


Mặc dù đã có kế hoạch đưa nội dung ưu đãi về thuế TNDN đối với DN nhỏ và siêu nhỏ khi thực hiện dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi), trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp, nhưng trước diễn biễn phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung Dự án nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế TNDN nhằm hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và thực hiện theo trình tự rút gọn, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.


* Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội:

Giảm thuế sẽ giúp DN lớn lên

Luật sư Hà Huy Phong
Luật sư Hà Huy Phong

Việc giảm thuế trực tiếp làm tăng khả năng tích tụ nguồn vốn trong DN nhằm sử dụng cho mục đích tái đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, việc giảm gánh nặng thuế làm tăng cơ hội gia tăng lợi nhuận, kích thích các nhà đầu tư bỏ vốn vào DN để sản xuất, kinh doanh, tận dụng tối đa nguồn tiền trong dân, giúp tăng số DN thành lập mới, giảm số DN bị đào thải khỏi thị trường. Việc giảm thuế sẽ gián tiếp thúc đẩy các DN làm ăn chân chính, thực hiện đúng hơn các quy định pháp luật của Nhà nước, hạn chế các hoạt động trốn thuế, lách thuế như hoạt động mua bán hóa đơn bất hợp pháp… Giảm thuế, về mặt ngắn hạn sẽ làm giảm số tiền thuế nộp vào NSNN, làm giảm vai trò của khối DN nhỏ và siêu nhỏ trong cơ cấu của nền kinh tế. Tuy nhiên, về mặt dài hạn, tác động đó sẽ thay đổi, bởi sẽ có nhiều DN được thành lập, nhiều DN lớn lên và sẽ đóng thuế trở lại nhiều hơn, đều đặn hơn vào NSNN.


* Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam:

DN sẽ có thêm nguồn vốn hỗ trợ để phát triển

Ông Tô Hoài Nam
Ông Tô Hoài Nam

Việc giảm thuế TNDN sẽ “khoan sức” cho một lớp đối tượng rất rộng trong cộng đồng DN, giúp DN có thêm một số tiền bổ sung vào nguồn vốn. Khi DN kinh doanh tốt thì kinh tế sẽ phát triển, trong đó sự đóng góp của DN vào ngân sách cũng tốt hơn cho dù giảm thuế suất.

DN hiện không chỉ gặp khó khăn về thuế mà còn gặp rất nhiều khó khăn khác như: tiếp cận mặt bằng, tín dụng, tiếp cận với công nghệ, với chuỗi thị trường… Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều DN làm ăn cầm chừng, không có lãi nên không phải đối tượng nộp thuế. Bên cạnh việc giảm thuế, các DN nhỏ cũng rất cần giảm các chi phí tuân thủ.

T.T và nhóm PV (thực hiện)