Huy động hơn 11 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển

Theo báo cáo của Chính phủ, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai, HĐND TP. Hồ Chí Minh được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Kết quả, HĐND thành phố đã quyết định thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa, với tổng diện tích 1.843,79ha.

Đề xuất kéo dài thời gian thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình trước Quốc hội.

Về quản lý đầu tư, HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố, với tổng mức vốn đầu tư là 12.954,3 tỷ đồng. HĐND thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố: xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, tổng mức đầu tư tăng từ 1.402,8 tỷ đồng lên thành 4.849,3 tỷ đồng.

Đối với tăng mức thu phí, lệ phí trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí, mức về thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp tăng 5 - 6 lần so với thu theo quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP. Tính từ thời điểm từ ngày 1/7/2018 (ngày Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND có hiệu lực thi hành) đến tháng 3/2022, tổng số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp là 132,6 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu phí được nộp 100% vào ngân sách địa phương (NSĐP).

Có cơ chế thu hút người tài tránh “chảy máu chất xám”

Thực hiện Nghị quyết 54, thành phố có chính sách thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Theo đánh giá của thành phố, cơ chế này tuy mới đạt được kết quả bước đầu, nhưng chính quyền thành phố cho rằng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm. Do vậy, chính quyền thành phố kiến nghị tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Cơ chế đầu tư trở lại từ nguồn vượt thu ngân sách trung ương (NSTW) trên địa bàn không chỉ giúp bổ sung nguồn lực cho ngân sách thành phố, mà còn giúp tăng cường công tác phối hợp giữa thành phố với các cơ quan, đơn vị trung ương trong quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Ngoài ra, theo Nghị quyết số 54, tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Trong giai đoạn 2018 - 2021, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành thành công 2.800 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương (các kỳ hạn 20 năm, 30 năm) và vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài là hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở những kết quả nêu trên, Chính phủ đề nghị cho phép TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/2023.

Thưởng vượt thu năm 2021 hơn 1.600 tỷ đồng

Trình bày báo cáo thẩm tra tổng kết thực hiện Nghị quyết 54, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, việc tổng kết Nghị quyết số 54 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với TP. Hồ Chí Minh mà còn tạo cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước.

Đề xuất kéo dài thời gian thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh
Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TL.

Về thưởng vượt thu và bổ sung có mục tiêu từ nguồn vượt thu NSTW hưởng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, qua gần 5 năm thực hiện, trong các năm 2018, 2019, 2020, thành phố không đạt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nên không được hưởng chính sách này. Chỉ năm 2021 thành phố được hưởng thưởng vượt thu và đầu tư trở lại số tiền 1.654 tỷ đồng (gồm thưởng vượt thu 1.000 tỷ đồng; đầu tư trở lại là 654 tỷ đồng). Như vậy, Ủy ban TCNS cho rằng, để chính sách này có tác dụng thực tế thì thành phố cần nỗ lực, chủ động, phấn đấu vượt thu, số vượt thu càng lớn thì số bổ sung càng tăng.

Về đề nghị cho phép TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/2023, Ủy ban TCNS cho rằng, để có thêm căn cứ chính trị vững chắc trong đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật cho thành phố, thì trước mắt nên cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54.

Theo Ủy ban TCNS, việc đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54, báo cáo của Chính phủ cần làm rõ lý do, căn cứ phù hợp để áp dụng việc kéo dài thời gian thực hiện; cần dự báo được hiệu quả sẽ mang lại nếu tiếp tục thực hiện thêm 1 năm.

Cũng có ý kiến đề nghị cho phép kéo dài đến hết ngày 31/12/2024 để bù lại tương ứng 2 năm không triển khai được chính sách thí điểm do ảnh hưởng của dịch.

Ủy ban TCNS đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31/12/2023 và đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết toàn diện, đầy đủ kết quả thí điểm và việc “hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội’’ theo đúng quy định tại Nghị quyết số 54.

Tăng trưởng cao nhờ thực hiện nghị quyết 54

Kết quả tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh có sự đóng góp của việc thực hiện Nghị quyết số 54. Qua 5 năm thực hiện, trừ giai đoạn dịch bệnh, kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng cao; vượt qua đỉnh dịch, kinh tế phục hồi nhanh. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015.

Sau giai đoạn tăng trưởng chậm ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (giai đoạn 2016 - 2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân giai đoạn 2011 - 2015).