Tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp Đã hoàn 70.356 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp Thêm cơ hội đầu ra cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Hơn 87 nghìn tỷ đồng tiền thuế đã được hoàn cho doanh nghiệp Doanh nghiệp ngành gỗ được hoàn thêm 2.000 tỷ đồng thuế VAT
Doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định để được hoàn thuế
Qua việc hoàn thuế, nhiều doanh nghiệp thuộc ngành gỗ đã có nguồn vốn kịp thời để tái sản xuất. Ảnh: TL

PV: Xin ông cho biết kết quả việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho doanh nghiệp ngành gỗ hiện nay như thế nào?

Ông Đỗ Xuân Lập: Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành về công tác hoàn thuế GTGT, đặc biệt là ngành Tài chính.

Theo tổng hợp sơ bộ của các chi hội và một số DN, tính đến đầu tháng 9/2023, các DN ngành gỗ, mà chủ yếu thuộc lĩnh vực chế biến dăm gỗ, viên nén đã được hoàn trên 2.000 tỷ đồng tiền thuế GTGT trong tổng số hơn 6.000 tỷ đồng tiền thuế đang chờ hoàn. Các DN gỗ rất phấn khởi trước kết quả hoàn thuế này.

Doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định để được hoàn thuế
Ông Đỗ Xuân Lập

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của cơ quan Thuế trong việc hỗ trợ các DN gỗ hoàn thuế?

Ông Đỗ Xuân Lập: Có thể thấy sự vào cuộc của ngành Tài chính rất kịp thời. Nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoàn thuế cho DN, vừa qua, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã có các văn bản đôn đốc cục thuế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh giải quyết hoàn thuế GTGT.

Ví dụ, ngày 9/8/2023, Tổng cục Thuế có Công điện số 07/CĐ-TCT gửi cục trưởng cục thuế các địa phương về đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT. Ngày 21/9/2023, Tổng cục Thuế tiếp tục có văn bản gửi cục thuế các địa phương, đề nghị xem xét liên quan đề xuất của Hiệp hội Viforest và Chi hội Dăm gỗ Việt Nam là bãi bỏ thuế GTGT bằng 0.

Thực hiện triển khai các văn bản đó, cục thuế ở các tỉnh, thành phố đã kịp thời hỗ trợ DN trong quá trình hoàn thuế. Đến thời điểm này, nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền Trung như: Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa… đã nhanh chóng hoàn thuế cho DN.

Giải quyết 17.583 hồ sơ hoàn thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ

Liên quan tới việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế từ năm 2019 đến nay, cơ quan thuế đã giải quyết hoàn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ là 17.583 hồ sơ, tương ứng số tiền hoàn là 69.650 tỷ đồng.

Như vậy, với các chỉ đạo sát sao từ cấp Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, sự vào cuộc quyết liệt của cục thuế ở các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Viforest đánh giá cao sự quan tâm của các cấp, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN ngành gỗ trong công tác hoàn thuế.

Sự vào cuộc này đã giúp nhiều DN ngành gỗ có được nguồn vốn kịp thời để tái sản xuất phục vụ cho các đơn hàng vào đợt cao điểm cuối năm. Qua đó, góp phần hồi sinh cho nhiều DN, giúp DN phục hồi sản xuất và còn góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu (XK) của ngành gỗ đạt được mục tiêu đã đề ra.

PV: Thực tế cho thấy, có một số DN đã gian lận trong việc kê khai thuế GTGT đối với hàng hóa XK, quá trình hoàn thuế đối với một bộ phận DN có dấu hiệu rủi ro sẽ phải kéo dài để xác minh, điều này sẽ ảnh hưởng tới các DN chân chính. Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế, theo ông các DN cần làm gì?

Ông Đỗ Xuân Lập: Theo tôi, việc tăng cường trách nhiệm trong phòng chống gian lận thuế và hoàn thuế là cực kỳ quan trọng. Thực tế vẫn còn tình trạng một số DN trục lợi chính sách, gian lận kê khai thuế GTGT, điều này đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận DN làm ăn chân chính.

Để không còn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, theo tôi trước tiên các DN phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác hoàn thuế. Bên cạnh đó, ngay từ đầu, cơ quan thuế có giải pháp sàng lọc, phân loại các DN tránh việc trục lợi chính sách hoàn thuế. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các DN có sai phạm; có phương án giải quyết, tạo điều kiện hoàn thuế kịp thời cho DN làm ăn chân chính.

Đối với Hiệp hội Viforest, nếu phát hiện trường hợp DN có sai phạm, hội viên, DN đó sẽ bị mời ra khỏi hiệp hội, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN khác.

Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế, các DN ngành gỗ cần chủ động phối hợp với cơ quan Thuế trong việc thực hiện đúng và tuân thủ các quy định trong công tác hoàn thuế. Đồng thời, tích cực phối hợp với cơ quan Thuế rà soát và bổ sung các hồ sơ chưa đúng quy định khi hoàn thuế.

Hiện các DN ngành gỗ đang tiếp tục chuẩn bị hồ sơ, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý để sớm được hoàn thuế và sẵn sàng bổ sung các giấy tờ cần thiết nếu cơ quan thuế yêu cầu.

PV: Xin cảm ơn ông!