![]() |
Vốn là yếu tố sống còn để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Ảnh tư liệu |
80% doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng ngoài dòng chảy tín dụng?
Chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Danh Nghĩa - Người sáng lập Công ty TNHH Thực phẩm Hoàn Hảo cho biết, doanh nghiệp được thành lập từ năm 2012 chuyên kinh doanh các sản phẩm đông lạnh chế biến từ thủy sản. Là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển, song nhờ đồng hành lâu dài với một ngân hàng suốt 10 năm đã giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn kịp thời và hỗ trợ thêm nhiều vấn đề liên quan về pháp lý.
Theo ông Nguyễn Danh Nghĩa, khó khăn đầu tiên với doanh nghiệp là về nguồn lực, đặc biệt là việc thiếu hụt nhân sự chất lượng cao. Tiếp đó là vấn đề tiếp cận vốn, do đó, việc đầu tư mở rộng và phát triển sản phẩm chưa kịp thời theo mong muốn của ban lãnh đạo công ty. Doanh nghiệp còn gặp bất lợi nhất định về công nghệ và phải cạnh tranh với các đối thủ lớn trong ngành.
Dù vậy, do có nhiều thuận lợi và sự đồng hành của ngân hàng, công ty từng bước mở rộng thị trường và bắt nhịp với xu hướng thương mại điện tử. Doanh nghiệp đang định hướng đầu tư mở rộng sản xuất và đa dạng hóa mặt hàng để hướng đến xuất khẩu.
Công ty Thực phẩm Hoàn Hảo là một trong số những doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng để tạo đà tăng trưởng. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp quy mô nhỏ lại gặp khó khăn khi vay vốn, đây là một nghịch lý lớn bởi khu vực này chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp cả nước, tạo ra khoảng 70% việc làm và đóng góp gần 40% GDP.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ đạt khoảng 2,74 triệu tỷ đồng, chưa đầy 20% tổng dư nợ toàn hệ thống. Như vậy, gần 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa không có dư nợ ngân hàng, đồng nghĩa với việc khó có thể sử dụng đòn bẩy tài chính để mở rộng và phát triển.
Theo ông Ngô Tấn Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), vốn là yếu tố sống còn để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nhưng hiện chỉ khoảng 17 - 20% số lượng doanh nghiệp có quan hệ vay vốn với các tổ chức tín dụng, điều này cho thấy khoảng cách rất lớn trong khả năng tiếp cận vốn.
Việc thiếu vốn khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bỏ lỡ cơ hội đầu tư hiệu quả, dù không ít dự án tuy quy mô nhỏ, nhưng giàu tính sáng tạo và linh hoạt có thể trở thành động lực đổi mới và tăng trưởng cho nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp gọi đây là “vòng xoáy con gà - quả trứng”, muốn phát triển thì cần vốn, nhưng chưa phát triển lại khó tiếp cận vốn vay.
Nhiều ngân hàng đồng hành, doanh nghiệp thêm cơ hội tiếp cận vốn
Thực tế, phần lớn ngân hàng thương mại vẫn ưu tiên các khoản vay lớn do hồ sơ tài chính rõ ràng, tài sản đảm bảo đầy đủ và chi phí thẩm định thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp bất lợi vì thiếu minh bạch tài chính, tài sản thế chấp hạn chế và quy mô vay nhỏ nhưng lại đi kèm chi phí quản lý cao.
Đặc biệt, hệ thống tín dụng vẫn nặng về tài sản bảo đảm, chủ yếu là bất động sản. Các tài sản động như hàng tồn kho, máy móc hay dòng tiền tương lai dù tiềm năng nhưng chưa được đánh giá đúng mức. Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn thường có quan hệ "hệ sinh thái" với ngân hàng. Họ không chỉ là khách hàng vay vốn, mà còn là người gửi tiền, sử dụng tài khoản thanh toán lương, bảo hiểm, dịch vụ bảo lãnh… nên được ưu đãi linh hoạt, kể cả khi cần tái cơ cấu nợ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tập trung vốn vào một nhóm nhỏ doanh nghiệp cũng tiềm ẩn rủi ro hệ thống, chỉ cần một vài “ông lớn” gặp sự cố, toàn bộ hệ thống tài chính có thể chịu tác động dây chuyền.
Theo chia sẻ của ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), ngân hàng đang dần chú trọng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là nhóm startup, bởi đây là phân khúc tiềm năng phát triển lớn của thị trường.
Bài toán vốn vẫn là một trong những rào cản lớn nhất, đặc biệt đối với các startup chưa có tài sản bảo đảm. Nắm bắt thực tế này, OCB thiết kế chính sách tín dụng chuyên biệt, không đặt nặng yêu cầu tài sản thế chấp, mà tập trung đánh giá dựa trên dòng tiền, mô hình kinh doanh, năng lực quản trị và kinh nghiệm nhà sáng lập, đây là yếu tố phản ánh sát tiềm năng của một startup.
ACB cũng cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ qua tín dụng, mà còn bằng các giải pháp tài chính toàn diện, giúp họ vượt qua các rào cản. "Hiện ACB phục vụ hơn 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 800.000 hộ kinh doanh khắp Việt Nam và là ngân hàng tư nhân phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn nhất. ACB chứng kiến nhiều doanh nghiệp vươn mình lớn mạnh và tiếp tục đồng hành cùng họ" - Phó Tổng Giám đốc ACB Ngô Tấn Long cho biết.
Bên cạnh trông chờ vào hệ thống ngân hàng, theo lãnh đạo ACB, cần khơi thông và phát huy vai trò các công cụ hỗ trợ khác như quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đầu tư tư nhân, hay các sàn gọi vốn cộng đồng, nhằm mở rộng các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển mình để đón cơ hội "Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tập trung vào ba điểm. Thứ nhất, thích ứng linh hoạt với môi trường kinh doanh, nắm bắt các cơ hội mới như Nghị quyết 68-NQ/TW với ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm cho doanh nghiệp mới thành lập, giảm 30% tiền thuê đất 5 năm đầu tại khu/cụm công nghiệp cùng cắt giảm nhiều thủ tục hành chính. Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đây là cánh cửa dẫn đến phát triển bền vững. Bán hàng qua kênh số chứng minh mang lại lợi thế vượt trội, giúp tăng trưởng doanh thu. Thứ ba, tối ưu hóa quy trình quản lý tài chính, sổ sách minh bạch và quản lý dòng tiền tốt hơn để nâng cao uy tín khi quan hệ với ngân hàng" - ông Ngô Tấn Long - Phó Tổng Giám đốc ACB. |