Gia hạn nộp thuế đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế


Hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách để gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp với tổng số tiền lên tới hơn 700 nghìn tỷ đồng. Chính sách tài khóa này đã thực sự có hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp được ổn định và đang dần phục hồi, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Gia hạn, giảm thuế, phí: Thêm nguồn lực đầu tư, kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng
Các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất thời gian qua đã ngấm vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Ảnh: TL.

Để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, năm 2024, ngay từ đầu năm, Quốc hội và Chính phủ ban hành giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; giảm 2% thuế giá trị gia tăng và mới đây tiếp tục gia hạn, giảm một số loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2024 để hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển.

TS. Tô Hoài Nam cho rằng, thời điểm này, tình hình doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do đó, sự đồng hành hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, trong đó rất cần các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế phí và tiền thuê đất đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Nhờ vậy, số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 vẫn đang trong xu thế phục hồi tích cực. Điển hình là chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 5 tháng đầu năm đã tăng 6,8% so với cùng kỳ; số lao động tại khu vực công nghiệp tăng 3,2%; xuất khẩu hàng hóa tăng 15,2%...

Đánh giá về các chính sách trên, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí và tiền thuê đất thời gian qua đã ngấm vào doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về dòng tiền.

Đồng thời, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào để phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính sách giảm thuế đi vào cuộc sống cũng đã góp phần làm giảm chi phí cho người dân khi giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước, trong đó người dân được hưởng lợi. Do vậy, đề xuất của Chính phủ tiếp tục giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2024 được cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi để thúc đẩy tổng cầu.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chính sách gia hạn, giảm thuế phí và tiền thuê đất là chính sách có thể đến ngay được doanh nghiệp, không phải qua bộ máy tổ chức thực thi, cũng không cần độ trễ về thời gian nên hiệu ứng của chính sách này rất lớn.

Theo ông Tuấn, đầu tư tư nhân còn rất khiêm tốn so với mọi năm, cho nên giảm thuế phí cần tiếp tục trong 6 tháng cuối năm 2024. Đây là một giải pháp hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước cho khu vực tư nhân trong nước hồi phục.

Cần đồng bộ các giải pháp

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành và thực thi nhiều giải pháp toàn diện, hỗ trợ doanh nghiệp từ các góc độ, bao gồm: chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, hỗ trợ mở rộng thị trường, nâng cao nội lực doanh nghiệp.

Để phát huy hiệu quả các chính sách, theo TS. Võ Trí Thành, trong thời gian tới, cần tiếp tục các giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, về chính sách tiền tệ, giải pháp giảm lãi suất còn rất ít dư địa song vẫn nên tiếp tục thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào vốn ngân hàng. Về chính sách tài khóa, cần tiếp tục chính sách giảm thuế GTGT 2%.

Gia hạn, giảm thuế, phí: Thêm nguồn lực đầu tư, kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng
Khu vực doanh nghiệp luôn có vai trò, vị trí quan trọng với kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, tính toán thêm các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản như hỗ trợ lãi suất cho đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội. Một số địa phương đã có thế áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội, cần phát huy cơ chế này để khởi động các dự án bị tạm hoãn trong thời gian vừa qua, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2025.

Đồng thời, tiếp tục triển khai cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp với quy định hấp dẫn để doanh nghiệp hấp thụ được nguồn vốn vay, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Giảm 2% thuế giá trị gia tăng dự kiến giảm thu 24.000 tỷ đồng

Thực tế, sau 3 lần áp dụng giảm thuế GTGT 2%, người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp. Việc giảm 2% thuế GTGT góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế sẽ đi liền với việc nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc áp dụng giảm thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2024 sẽ làm hụt thu ngân sách 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng mỗi tháng).