Gia hạn thời hạn nộp thuế: Hỗ trợ cả vật chất và tinh thần cho doanh nghiệp Miễn, giảm, gia hạn thuế, phí khoảng 200 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 Miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định hiện hành Gia hạn, miễn, giảm thuế kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Gia hạn, miễn giảm thuế, phí - “liều thuốc” hỗ trợ doanh nghiệp

PV: Ông nhìn nhận thế nào về các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí và tiền thuê đất được ban hành từ đầu năm đến nay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Năm 2023, tình hình thế giới và trong nước diễn biến ngày càng phức tạp đã có nhiều tác động, gây khó khăn cho nền kinh tế, đời sống của người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN và sớm phục hồi nền kinh tế, Quốc hội, Chính phủ đã chủ động, quyết liệt ban hành và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong nhiều lĩnh vực, trong đó, phải kể đến các chính sách liên quan đến thuế, phí, tiền thuê đất.

Theo đó, năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2022/ UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; ngày 14/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023, số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng…

Gia hạn, miễn giảm thuế, phí - “liều thuốc” hỗ trợ doanh nghiệp "hồi sức"
"TS. Nguyễn Đình Chiến

Các chính sách trên có phạm vi, mức độ hỗ trợ lớn là những giải pháp hợp lý, kịp thời giúp cho các DN và người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Các chính sách này đã giảm áp lực về nghĩa vụ thuế, tiền thuê đất trong một thời hạn nhất định; giảm chi phí tài chính, hỗ trợ thanh khoản và dòng tiền; tạo thêm nguồn lực để DN, người dân tập trung vào sản xuất, kinh doanh.

PV: Bên cạnh những gói hỗ trợ thông qua gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, theo ông, chính sách giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng cuối năm 2023 tác động tới cung - cầu của nền kinh tế ra sao?

TS. Nguyễn Đình Chiến: Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết 101/2023/QH15, trong đó có nội dung giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2023, áp dụng đối với hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%).

Chính sách giảm 2% thuế GTGT đã từng được thực hiện trong năm 2022 và được đánh giá là có tác dụng lớn đối với hoạt động của DN, tiêu dùng của người dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Đối với DN, việc giảm thuế GTGT đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, tăng mức tiêu thụ, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ giảm.

Như vậy, việc giảm 2% thuế GTGT sẽ có tác động tích cực đến cung cầu hàng hóa, dịch vụ; tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; góp phần vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế.

PV: Từ nay đến cuối năm dự báo còn rất nhiều khó khăn, để chính sách gia hạn, giảm thuế, phí hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, cần chú trọng những gì, thưa ông?

Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần

TS. Nguyễn Đình Chiến cho rằng, việc giảm 2% thuế GTGT giúp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành, giá bán của hàng hóa, dịch vụ cũng góp phần giảm lạm phát. Số liệu thực tế cho thấy, CPI bình quân 8 tháng tăng 3,1% (so với bình quân 7 tháng là 3,12%; 6 tháng là 3,29%; 5 tháng là 3,55%; 4 tháng là 3,84%; 3 tháng là 4,18%; 2 tháng là 4,6% và tháng 1 là 4,89%) và thấp hơn mục tiêu đề ra khoảng 4,5%.

TS. Nguyễn Đình Chiến: Dự báo những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, từ sự biến động khó lường của tình hình thế giới, khu vực đến những khó khăn trong nội tại nền kinh tế. Do đó, cơ quan quản lý cần tiếp tục có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm và thời gian tới.

Đối với chính sách gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, giảm thuế GTGT… đã và đang thực hiện, theo tôi để các chính sách này phát huy hiệu quả hơn nữa trong hỗ trợ DN và tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng cần tuyên truyền đầy đủ, rộng khắp hơn nữa đến các DN. Như vậy sẽ giúp DN nắm bắt nội dung chính sách và thực hiện các thủ tục đúng quy định để được hưởng những quyền lợi của mình từ chính sách này.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng có những đánh giá thường xuyên hơn việc triển khai thực hiện các chính sách này trong thời gian qua về tác động thực tế đến DN, người dân cũng như đối với nguồn thu ngân sách; về cách thức triển khai; về mức độ đồng tình của cộng đồng DN và người dân… để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách miễn, giảm, gia hạn cần áp dụng trong thời gian tới, cũng như có sự kết hợp đồng bộ, hiệu quả với các chính sách khác khi nền kinh tế nói chung, các DN nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Về phía các DN, cần nắm bắt và thực hiện kịp thời quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình đối với nội dung chính sách, tạo thêm nguồn lực trong ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Chỉ khi có sự tham gia, hưởng ứng đầy đủ của DN, các chính sách nói chung, chính sách về gia hạn, miễn giảm tiền thuế, tiền thuê đất nói trên mới có thể phát huy được hiệu quả trong hỗ trợ DN, người dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kinh tế Việt Nam có những tín hiệu đáng mừng

TS. Nguyễn Đình Chiến cho hay, bối cảnh thế giới đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tổng cầu suy giảm. Chính sách tiền tệ thắt chặt. Nợ công thế giới gia tăng. Bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, với những chính sách hỗ trợ DN, người dân và nền kinh tế của Việt Nam, kinh tế nước ta vẫn có các tín hiệu đáng mừng.

Theo các số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm là 3,72% và con số này trong tháng 7, tháng 8 đã có sự gia tăng. Theo đánh giá của Ngân hàng UOB Singapor, dự kiến GDP quý III/2023 của Việt Nam sẽ tăng ở mức 5,6% so với cùng kỳ. Đây có thể coi là những con số rất ấn tượng trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới hiện nay. Mặc dù vậy, so với mục tiêu đề ra của năm 2023 là 6,5%, mức tăng trưởng nói trên của các giai đoạn vẫn khó để đạt được khi những tháng cuối năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Về hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, trong 8 tháng năm 2023, số DN thành lập mới là 103,7 nghìn DN, mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng từ trước đến nay, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022.

Trong các lĩnh vực hoạt động của DN, lĩnh vực sản xuất đã duy trì mức tăng trưởng ở cả 3 khu vực, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế; sản xuất công nghiệp có xu hướng tích cực hơn khi từ tháng 5/2023 trở lại đây liên tục tăng trưởng dương với mức tăng tháng sau tăng cao hơn tháng trước. Về lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, trong 8 tháng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.