Giảm thuế giá trị gia tăng là hết sức cần thiết

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2023 giảm 17,9% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 1,2%...

Trước bối cảnh kinh tế giảm tốc, những tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành các chính sách giảm tiền thuê đất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất…

Tới đây, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% đang được người dân, doanh nghiệp chờ đón. Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc đề xuất giảm thuế GTGT 2% cho thấy sự vào cuộc rất kịp thời của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

GIẢM THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG 2% TÁC ĐỘNG TỚI TỔNG CẦU

GS.TS Trần Thọ Đạt - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện nay, nền kinh tế đang đứng trước nhiều thách thức, thể hiện rất rõ trong việc tăng trưởng quý I/2023 chỉ trên 3%, doanh nghiệp đang bị khó khăn tứ bề, do đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ có tác dụng rất lớn, tác động tới tổng cầu, người tiêu dùng có thể trả một mức chi phí thấp hơn, doanh nghiệp cũng trả chi phí đầu vào thấp hơn.

Trong đó, người dân sẽ được hưởng lợi, giúp kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh tổng cầu thế giới và trong nước đang sụt giảm từ cuối năm 2022 đến nay. Chính sách này khi đi vào thực thi sẽ tác động hiệu quả đến sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về mặt lâu dài, sẽ đóng góp ổn định vào nguồn thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế, vì vậy, việc giảm thuế lúc này là hết sức cần thiết.

Trong bối cảnh hiện nay, để các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí tác động mạnh hơn nữa, cần đồng bộ với các chính sách khác như: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tạo cầu cho thị trường; tiếp tục điều hành giảm lãi suất, tỷ giá; cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư… đây là những động lực quan trọng giúp doanh nghiệp sớm hồi phục và đóng góp cho tăng trưởng trong năm 2023.

Còn theo chuyên gia kinh tế - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, việc áp dụng giảm thuế GTGT là hết sức cần thiết cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt bối cảnh hiện nay cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm, từ đó thúc đẩy giải quyết hàng tồn kho, tăng vòng quay của vốn. Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để chính sách này thật sự có hiệu quả thì công tác quản lý giá phải rất sát sao, bảo đảm giá hàng hóa phù hợp giá thành sản xuất, tránh tình trạng thuế GTGT giảm nhưng giá bán lại tăng.

Doanh nghiệp thêm nguồn lực để phát triển

Chia sẻ về những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Phát (Hà Nội), một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất cho hay, từ cuối năm 2022 đến nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như chi phí đầu vào của doanh nghiệp vẫn tăng cao, doanh nghiệp vẫn khó khăn về chi phí logistics, nguyên vật liệu đầu vào, lãi suất tăng... Cùng với đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm giảm đi khoảng 50% so với thời điểm trước dịch Covid-19 do sức mua giảm.

Vì vậy, khi Chính phủ gia hạn, giảm thuế, phí, doanh nghiệp rất phấn khởi vì được tiếp thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện vay vốn ngân hàng gặp khó khăn và lãi suất vẫn cao như hiện nay. Ông Hưng cho rằng, việc giảm thuế rất có ý nghĩa, giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí đầu vào để giảm giá hàng bán ra, người tiêu dùng đi mua hàng cũng được hỗ trợ phần nào, giúp kích cầu tiêu dùng trong nước.

Là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, ông Đoàn Thế Xuyên - Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên (tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: “Năm nay, có thể nói là năm khó khăn nhất đối với doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp vận tải của tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn: Thứ nhất, doanh nghiệp đã hết thời gian cơ cấu nợ từ ngân hàng, cùng với lãi suất tăng cao, tuy mới đây ngân hàng có điều chỉnh giảm lãi suất nhưng không nhiều. Thứ hai, người dân thắt chặt chi tiêu, nên lượng hành khách đi xe giảm nhiều, tính từ đầu năm đến nay lượng khách chỉ bằng 70% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Thứ ba, giá xăng dầu vẫn còn cao khiến chi phí đầu vào không giảm nhiều”. Theo ông Xuyên, đối với doanh nghiệp vận tải thì việc giảm thuế GTGT 2% giúp doanh nghiệp giảm giá vé, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi di chuyển.

Đây là một động thái rất tích cực của Chính phủ nhằm kích cầu và hỗ trợ thiết thực nhất cho người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn này. "Doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19, bây giờ mới hồi phục kinh doanh, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nếu có thêm sự hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng sẽ tiếp sức cho doanh nghiệp sớm phục hồi" - ông Xuyên nhấn mạnh.

Với việc giảm thuế GTGT, không chỉ lĩnh vực vận tải mà các ngành hàng khác cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều vì giá cả sẽ hạ nhiệt, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và tác động tích cực đến kinh tế - xã hội.

Giảm thuế giá trị gia tăng 2%, thêm động lực hỗ trợ doanh nghiệp

GS.TS TÔ TRUNG THÀNH - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

Giảm thuế giá trị gia tăng 2%, thêm động lực hỗ trợ doanh nghiệp

Giảm thuế giá trị gia tăng 2%, tiếp cận nhiều đối tượng Có thể nói, những yếu tố bất lợi vẫn đang ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh tế như bất ổn kinh tế vĩ mô thế giới; sức ép lạm phát khiến chi tiêu của người dân bị ảnh hưởng; lãi suất tăng cao, giá năng lượng và chi phí đầu vào gia tăng ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Trước khó khăn trên, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, việc sớm ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ mang tính chất phủ rộng, tiếp cận được nhiều đối tượng, nhiều doanh nghiệp hơn. Trong đó, hỗ trợ về thuế, phí là một trong những hỗ trợ quan trọng nhất hiện nay.

PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH - CHUYÊN GIA KINH TẾ

Chính sách rất phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay
Giảm thuế giá trị gia tăng 2%, thêm động lực hỗ trợ doanh nghiệp

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ đang chịu thuế giá trị gia tăng 10% khi được giảm thuế về 8% sẽ được hưởng lợi như giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Từ đó doanh nghiệp sẽ tích luỹ được nguồn lực, tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong việc này, người dân cũng được thụ hưởng vì có thể tiết kiệm chi tiêu và áp lực lạm phát cũng giảm bớt. Bên cạnh đó, chính sách này phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sớm phục hồi để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như tăng trưởng kinh tế./.