Hà Nội làm gì để xây dựng thành phố thông minh?
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam gặp rất nhiều thách thức

Tại hội nghị "Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023" với chủ đề: “Khai thác dữ liệu - xây dựng thành phố thông minh phát triển bền vững" diễn ra ngày 29/11, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay, Hà Nội là địa phương có nhiều khu đô thị được quy hoạch thông minh nhất cả nước, với 3 khu: Vinhome Ocean Park, Vinhome Smart City và mới đây nhất là thành phố thông minh Bắc Hà Nội.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang chịu áp lực lớn giải bài toán xây dựng thành phố thông minh để phát triển kinh tế - xã hội xứng tầm Thủ đô. Thành phố phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như: Dân số đông, gia tăng cơ học một cách nhanh chóng; những vấn đề bất cập do hạ tầng giao thông chưa kịp phát triển để đáp ứng tốc độ đô thị hóa; ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến cấp/thoát nước, xử lý ngập nước…

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, một thành phố phát triển bền vững là thành phố phát triển với mọi tiện ích thông minh, được thể hiện thông qua những lựa chọn “thông minh”, giải pháp “thông minh”, công nghệ “thông minh”.

Báo cáo từ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho thấy, TP. Hà Nội đang cần giải quyết rất nhiều bài toán liên quan đến dữ liệu số. Cụ thể, dữ liệu thì vừa thiếu, vừa thừa; khai thác dữ liệu khó khăn, chưa có chuẩn kết nối, độ chính xác chưa cao, mô hình thông tin, chiến lược dữ liệu cũng cần được chú trọng đầu tư bài bản hơn. Đây chính là nhiệm vụ cấp thiết trong thời gian tới, trước khi triển khai các giải pháp về phân tích, hỗ trợ quản lý điều hành và xa hơn là khai thác dữ liệu để tạo ra những giá trị kinh tế xã hội mới...

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, cũng nhận định xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam gặp rất nhiều thách thức. “Thách thức lớn nhất là hành lang pháp lý thiếu rõ ràng, chưa thuận lợi cho hợp tác công tư, đặc biệt các thủ tục liên quan đến đầu tư, đấu thầu, thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Thêm vào đó, các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu” - ông Trương Gia Bình nói.

Hà Nội làm gì để xây dựng thành phố thông minh?
Các đại biểu tham quan triển lãm bên lề hội nghị.

Cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể

Bàn về giải pháp xây dựng thành phố thông minh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, phát triển đô thị thông minh chính là chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào giải quyết các vấn đề, bài toán lớn của đô thị. Như Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã nói một cách khái quát, đó là các bài toán về giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh trật tự... Để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi xác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển thành phố.

"Vì vậy, phát triển đô thị thông minh cần tầm nhìn dài hạn, toàn diện và một cách tiếp cận tổng thể, không chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ. Cũng giống như chuyển đổi số, đó là sự thay đổi về tư duy và nhận thức nhiều hơn” - ông Nguyễn Huy Dũng nói.

Theo đó, để đạt được những mục tiêu đô thị thông minh thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng lưu ý, việc phát triển đô thị thông minh tại địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm.

Trong đó, cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế -xã hội khác. Quá trình này đòi hỏi sự tham gia tích cực và chủ động của tất cả các cấp, các ngành tại địa phương.

Theo ông Trương Gia Bình, thành phố thông minh là nhân tố quyết định và Hà Nội là Thủ đô có vai trò dẫn dắt các địa phương khác trong tăng trưởng xanh, công nghệ lõi, trí tuệ nhân tạo và bán dẫn. Để làm được điều này, Hà Nội phải có cơ chế đặc thù, chính sách vượt trội để thực hiện các nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Hà Nội cần đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực mới.../.

Trong ngày 2 của hội nghị, những xu hướng phát triển Smart City nổi bật tại Việt Nam sẽ được ban tổ chức tổng hợp và công bố cùng Lễ Công bố và vinh danh Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023. Bên cạnh các phiên hội nghị, gần 30 gian hàng triển lãm giới thiệu các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam và khu vực.