Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội |
Nhiều ưu đãi trong lĩnh vực văn hóa
Tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội năm 2024 do UBND TP. Hà Nội tổ chức ngày 16/8, liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại diện Công ty TNHH Phát triển công nghệ giáo dục Việt Nam cho biết, vấn đề giấy phép lao động cho giáo viên người nước ngoài gặp nhiều khó khăn đối với nhóm giáo viên dạy chương trình bổ trợ tại các trường phổ thông.
Đại diện Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Phú Xuyên) cho hay, các trường THPT tư thục tuyến huyện có khó khăn lớn trong hoạt động như điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí đào tạo. Do vậy, học sinh của các trường tư thục có nhiều thiệt thòi hơn so với các trường công lập, đề nghị thành phố có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các trường THPT tư thục.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Trả lời kiến nghị của các đơn vị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương làm rõ những quy định liên quan đến bằng cấp và chứng chỉ cho giáo viên nước ngoài. Theo đó, quy chuẩn cho lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam thực hiện theo Nghị định 152 và Nghị định 70 của Thủ tướng Chính phủ về cấp phép cho lao động nước ngoài.
Bên cạnh đó, các chứng chỉ về ngoại ngữ thì thực hiện theo Thông tư 21 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, nêu rõ yêu cầu về trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ của người lao động khi sang Việt Nam.
Bà Hương khẳng định, tiêu chí với người nước ngoài làm việc tại Hà Nội hoàn toàn tuân thủ theo quy định, nghị định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài quy định chung, Hà Nội không ban hành bất kỳ quy định nào riêng cho đối tượng lao động này; tháo gỡ mọi điều kiện về thủ tục hành chính, để các doanh nghiệp, trung tâm tham gia hoạt động này một cách tốt nhất.
Liên quan đến kiến nghị đầu tư cho trường THPT tư thục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho hay, thành phố luôn có chính sách hỗ trợ về đất đai, điều kiện xây dựng, đảm bảo an toàn trong trường học. Các trường sẽ có nhiều cạnh tranh trong đào tạo, nếu trường nào tốt học sinh và phụ huynh sẽ tự động tìm tới, trường nào chưa tốt thì hoạt động sẽ khó khăn. |
Làm rõ thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, trung bình mỗi năm Hà Nội có trên 4.000 giáo viên nước ngoài, giáo viên người bản địa đến làm việc, trong đó tập trung vào giảng dạy tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật tại các trung tâm.
“Sở vẫn thống nhất áp dụng theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Điều 18 Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó có nêu rõ nếu không nắm được nhân thân, trình độ, văn bản cần thiết thì sự giảng dạy của giáo viên không đạt hiệu quả tốt. Đây là quy định bắt buộc với đội ngũ này giảng dạy tại Hà Nội” - ông Trần Thế Cương thông tin.
Khuyến khích các doanh nghiệp y tế liên kết, hợp tác với nhau
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực y tế cũng đã chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc về những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp y tế; đào tạo nguồn nhân lực; cải thiện môi trường đầu tư...
Đại diện Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec nêu ý kiến về những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp y tế liên kết, hợp tác với nhau và với các cơ sở y tế công lập, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, chia sẻ nguồn lực và giảm chi phí.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân trả lời các kiến nghị. |
Về các vấn đề liên doanh, liên kết, hợp tác trong công tác khám, chữa bệnh trong chuỗi cung ứng của y tế Vinmec, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ngoài công lập phát triển, đặc biệt rất quan tâm tới việc thành lập mới các cơ sở y tế chất lượng cao, hiện đại và các cơ sở khám, chữa bệnh tại các khu vực khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, để thực hiện việc này thì cần phải thực hiện theo quy định pháp luật.
Giai đoạn tiếp theo, khi Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung liên quan tới lĩnh vực y tế. Đó là các dự án đầu tư mới trên địa bàn thành phố về các lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao sẽ được hưởng chính sách ưu đãi.
Trả lời ý kiến của doanh nghiệp về cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp y tế trong và ngoài nước đến đầu tư tại Hà Nội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư luôn là định hướng trọng tâm của thành phố để tạo nguồn lực từ thu hút đầu tư phát triển, đặc biệt là đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Thành phố luôn khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là những sáng kiến ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực y tế; khuyến khích hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư trong việc cung cấp dịch vụ y tế và phát triển các dự án y tế...
Hàng năm, TP. Hà Nội luôn thực hiện công bố danh mục thu hút đầu tư, thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Thời gian tới, TP. Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và khai thác được các lợi thế của Thủ đô. |