an sinh xã hội
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Đình Hùng (trái) trao những phần quà ý nghĩa, túi “An sinh Công đoàn” thiết thực đến tận tay người lao động trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Ảnh: Tư liệu

Hỗ trợ hơn 980 tỷ đồng cho người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã tích cực triển khai nhiều giải pháp tạo giá đỡ an sinh xã hội, tiếp sức cho người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Hiện 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã và đang khẩn trương hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND... Do chính sách được triển khai trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên các địa phương đều lựa chọn những hình thức linh hoạt, phù hợp với thực tế để hỗ trợ kịp thời cho người dân, người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời đảm bảo các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Từ đầu tháng 7/2021 đến cuối ngày 9/9/2021, tổng kinh phí thành phố phê duyệt hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, người lao động, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là 980,023 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 781,798 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 198,225 tỷ đồng.

Riêng trong ngày 10/9, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội tổ chức 4 chuyến “Xe buýt Siêu thị 0 đồng”, trao 2.000 “Túi An sinh công đoàn” (trị giá 200.000 đồng/túi gồm các nhu yếu phẩm như: gạo, lạc, dầu ăn, gia vị,…) tới đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn các quận, huyện Hà Đông, Phúc Thọ, Quốc Oai.

Theo kế hoạch dự kiến, từ ngày 13/9 đến 17/9/2021, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến “Xe buýt Siêu thị 0 đồng”, trao 5.700 “Túi An sinh công đoàn” hỗ trợ đoàn viên và người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp...

Như vậy, đã có hơn 2,5 triệu lượt người dân, người lao động, hộ gia đình bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố được thụ hưởng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội.

Phấn đấu phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp, đa dạng, linh hoạt

Được biết, trước đó, ngày 8/9, UBND TP. Hà Nội ban hành kế hoạch về thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống củanNhân dân Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025” (Chương trình số 08).

Kế hoạch xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện cơ chế, chính sách và hiện đại hóa hệ thống quản lý nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Kế hoạch đề ra 27 chỉ tiêu phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%; giải quyết việc làm cho 160.000 lượt người/năm; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 95%; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố; duy trì 100% người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định; từng bước nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội và giảm độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội…

Cùng với đó, mục tiêu đề ra duy trì tỷ lệ 100% người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn tiền vé khi sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn của thành phố. 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp.

Thành phố cũng sẽ phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp, đa dạng, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu, khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của nhân dân theo hướng tiến bộ, hiện đại. Mở rộng mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội tại cộng đồng; phát triển đội ngũ làm công tác xã hội chuyên nghiệp...

UBND TP. Hà Nội giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (cơ quan thường trực Chương trình số 08) tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nội dung và kết quả thực hiện Chương trình số 08; thường xuyên rà soát các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 để tham mưu, phối hợp, hướng dẫn thực hiện công tác hỗ trợ kịp thời...

Theo Công an TP. Hà Nội, từ 15h ngày 09/9 đến 15h ngày 10/9, các lực lượng chức năng đã xử phạt 305 vụ, với số tiền hơn 456 triệu đồng. Các hành vi vi phạm phổ biến bao gồm: ra ngoài khi không thực sự cần thiết (272 vụ); không đeo khẩu trang nơi công cộng (26 vụ); không giữ khoảng cách khi tiếp xúc (1 vụ); vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định (5 vụ)…

(Bài tuyên truyền thực hiện theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)