Hà Nội: Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 55 tỷ USD Hà Nội luôn đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước |
Hà Nội - động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước
Đánh giá về lợi thế, tiềm năng phát triển của Hà Nội, tại Hội thảo “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”, PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT) cho biết, Hà Nội nằm ở tâm điểm của miền Bắc Việt Nam, nơi tiếp giáp giữa Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Trung du miền núi phía Bắc. Thủ đô Hà Nội là “trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước".
Hà Nội cần phát huy phát huy vai trò là động lực phát triển kinh tế. Ảnh: TL |
Sau lần mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Hà Nội trở thành một trong 10 Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Trên địa bàn hiện có khoảng 80% số trường đại học, viện nghiên cứu; 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia... là nguồn lực vô giá, giúp Hà Nội thuận lợi trong việc tiếp nhận, phổ biến tri thức, công nghệ mới trong thời kỳ mới.
Với quy mô dân số hơn 8 triệu người và sức hấp dẫn nhập cư rất lớn, Hà Nội luôn có nguồn nhân lực dồi dào. Hơn nữa, với cơ chế tự chọn lọc của vị thế kinh đô, Hà Nội luôn là nơi hội tụ của nhân tài, tinh hoa và đội ngũ đông đảo nhân lực chất lượng cao trong mọi lĩnh vực mà không nơi nào có được. |
Hà Nội còn có quy mô kinh tế lớn, số lượng doanh nghiệp nhiều, thu ngân sách lớn, mức thu nhập và đời sống cư dân cao hơn, nguồn tiền tích lũy trong xã hội cũng sẽ nhiều hơn.
Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội ban hành có nhiều điểm mới, mang tính đột phá đều chủ yếu gắn với thể nghiệm các thể chế kinh tế mới… vừa tạo sức bật mới cho Hà Nội phát triển, vừa đồng thời đặt ra cho chính quyền và nhân dân Thủ đô trách nhiệm cao hơn đối với vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước.
Như vậy, Thủ đô Hà Nội hội tụ nhiều tiềm năng to lớn cho phát triển, đã là một cực tăng trưởng kinh tế lớn của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước.
Thủ đô Hà Nội hội tụ nhiều tiềm năng to lớn cho phát triển
Thời kỳ tới đây, Hà Nội chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục giữ vị thế là cực tăng trưởng kinh tế lớn nhất của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả miền Bắc. Trách nhiệm cao hơn - thực sự đóng vai trò là động lực, khởi tạo và dẫn dắt sự phát triển của vùng và cả nước đang đặt ra trước Thủ đô Hà Nội không ít thách thức mới nhưng cũng rất nhiều cơ hội rộng mở.
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, trong mối quan hệ tương đối giữa vai trò “cực tăng trưởng” với vai trò “động lực phát triển”, không nhất thiết phải dồn mọi nỗ lực cho mục tiêu tăng quy mô kinh tế và tỷ trọng kinh tế trong GDP cả nước của riêng Hà Nội. Điều rất quan trọng và đáng được mong đợi hơn nhiều đối với vị thế Thủ đô, nếu cùng với việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến 2030, tăng trưởng GRDP giai đoạn 2026 - 2030 đạt 8,0 - 8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD, và đến năm 2045 GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Thủ đô phải đi trước, đi đầu trong việc thực hiện và hoàn thành sớm các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước. Ảnh: TL |
Vì vậy, Hà Nội đứng trước thời kỳ đòi hỏi nhiều hơn tính năng động, sáng tạo và khai phá trong việc thể nghiệm các thể chế kinh tế mới, cùng với một số địa phương đang được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù với mong muốn sẽ tổng kết để nhân rộng những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tốt ra cả nước.
Gợi mở giải pháp phát huy vai trò là động lực phát triển kinh tế của Hà Nội, PGS.TS Bùi Tất Thắng chia sẻ, cần phát huy hiệu quả hơn các nguồn lực nội tại to lớn của Thủ đô; đi đầu trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và bảo vệ môi trường. Đồng thời sáng tạo trong việc thể nghiệm các thể chế kinh tế mới.
Cùng quan điểm, GS.TS Phùng Hữu Phú - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, Thủ đô Hà Nội có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thủ đô phải đi trước, đi đầu trong việc thực hiện và hoàn thành sớm các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước; đóng vai trò là trung tâm, đầu mối liên kết, dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy và hiệu ứng lan tỏa đổi mới sáng tạo đối với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.