Quyết tâm “phủ sóng” hóa đơn điện tử

Ngày 13/6/2019, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Để triển khai luật này, ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Trong đó, quy định từ 1/7/2022, tất cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai có sử dụng hóa đơn bắt buộc phải chuyển sang sử dụng HĐĐT.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, việc thực hiện HĐĐT góp phần xây dựng dữ liệu hóa đơn, dữ liệu người nộp thuế để áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu lớn, phục vụ cho công tác quản lý thuế một cách chặt chẽ nhất.

“Ngoài ra, triển khai áp dụng HĐĐT còn giúp cải tiến quy trình nghiệp vụ hiện đại, quản lý tốt đối với nguồn lực, ngăn chặn tình trạng trốn lậu thuế, xác minh nhanh người nộp thuế, bỏ trốn, mất tích, ngăn chặn hóa đơn giả. Đẩy mạnh thương mại điện tử, bảo vệ môi trường phù hợp xu thế hiện đại của thế giới” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Thế Dương

Xuất phát từ lợi ích mang lại cho xã hội, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xác định triển khai HĐĐT là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhằm thúc đẩy trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan nhà nước khác.

Đại diện Tổng cục Thuế cho hay, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trọng tâm của ngành Thuế trong năm 2021 và năm 2022, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế triển khai HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định từ tháng 11/2021.

Trên cơ sở thành công của việc triển khai HĐĐT giai đoạn 1, ngày 21/4/2022, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục tổ chức công bố triển khai hệ thống HĐĐT trên toàn quốc. Đồng thời, ngành Thuế đặt ra tiến độ, lộ trình triển khai cụ thể đối với 57 tỉnh, thành phố giai đoạn 2: đến hết ngày 10/5/2022 phải hoàn thành tối thiểu 50%, đến hết ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90% và đến hết ngày 30/6/2022 phải hoàn thành 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng HĐĐT.

Từ mục tiêu đặt ra, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ thường trực triển khai tại Tổng cục Thuế và 63 tỉnh, thành phố với sự tham gia của UBND, các sở, ban, ngành tại địa phương; cơ quan thuế các cấp cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chính sách, quy định cũng như lợi ích khi áp dụng HĐĐT; tập huấn về chính sách HĐĐT, quy trình quản lý HĐĐT...

Đồng thời, ngành Thuế cũng đã kết nối với 25 tổ chức nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu HĐĐT, đăng tải công khai thông tin của 25 tổ chức truyền nhận và 83 tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; thành lập Trung tâm điều hành và hỗ trợ triển khai HĐĐT để tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp kịp thời các yêu cầu phát sinh trong quá trình triển khai.

99,5% doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử

Tính đến ngày 20/6/2022, cả nước đã có 832.611 doanh nghiệp đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng HĐĐT (tương đương đạt mức tỷ lệ 99,5%) và 63.837 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC với số lượng HĐĐT đã được phát hành là khoảng 471 triệu hóa đơn.

Triển khai hóa đơn điện tử là “mũi tên trúng nhiều đích”

Phát biểu tại Lễ công bố triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đánh giá việc triển khai HĐĐT là “mũi tên trúng nhiều đích”, góp phần thay đổi phương thức điều hành, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như người dân, doanh nghiệp theo hướng tích cực, hiện đại, tăng cường công khai minh bạch, giảm chi phí tuân thủ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phù hợp xu hướng quốc tế.

Ngoài việc dồn lực phủ sóng HĐĐT, để khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn, cũng như tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa, dịch vụ phải có hóa đơn, chứng từ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục Thuế cũng đã báo cáo Bộ Tài chính để chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai tổ chức các chương trình “hóa đơn may mắn” trên cơ sở dữ liệu HĐĐT.

Trên tinh thần quyết tâm cao và bằng nhiều biện pháp đồng bộ, thống nhất, đến nay cơ bản HĐĐT đã chính thức được phủ sóng và đi vào cuộc sống. Còn một số ít doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng HĐĐT, cơ quan thuế các cấp đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chuyển sang sử dụng HĐĐT, đảm bảo 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng HĐĐT, đảm bảo đúng tiến độ, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung.