Thay đổi hoàn toàn cách giao dịch truyền thống

Khi mới triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Kho bạc Nhà nước (KBNN) chỉ cung cấp 3 DVCTT mức độ 4. Đến nay, KBNN đã hoàn thành cung cấp toàn bộ 9 thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của mình qua DVCTT mức độ 4, bao gồm: thủ tục kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất thường xuyên, chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu sử dụng kinh phí sự nghiệp; thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN); thủ tục kiểm soát, thanh toán chi phí quản lý dự án đầu tư của các dự án sử dụng vốn NSNN qua KBNN; thủ tục kiểm soát chi vốn nước ngoài qua KBNN; thủ tục hạch toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi vào NSNN; thủ tục đăng ký sử dụng tài khoản, bổ sung tài khoản và thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký của đơn vị giao dịch tại KBNN; thủ tục tất toán tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN; thủ tục đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị giao dịch tại KBNN; thủ tục kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN.

Công chức Kho bạc Nhà nước Quảng Bình thực hiện kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn ngân sách trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Hạnh Thảo
Công chức Kho bạc Nhà nước Quảng Bình thực hiện kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn ngân sách trên dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Hạnh Thảo

DVCTT mức độ 4 của KBNN đã thay đổi hoàn toàn cách giao dịch truyền thống, đem lại nhiều lợi ích thiết thực, nâng cao hiệu quả công việc của KBNN và các đơn vị sử dụng ngân sách (SDNS). Từ DVCTT, các giao dịch viên của KBNN không phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nên năng suất lao động được nâng lên, hạn chế được nhiều rủi ro trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.

Các đơn vị SDNS đã được chủ động hơn trong việc gửi các chứng từ thanh toán vốn đến KBNN trên môi trường mạng trong bất kỳ thời gian, địa điểm nào nên đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại cũng như in ấn chứng từ. Cảnh tượng xếp hàng chờ đợi để giao dịch tại trụ sở các đơn vị KBNN nhất là vào thời điểm cuối quý, cuối năm đã không còn.

Từ ngày 15/11/2021, hệ thống KBNN chính thức áp dụng quy trình liên thông các ứng dụng nghiệp vụ (DVCTT - Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) - Thanh toán song phương điện tử); dịch vụ công kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN và dịch vụ công đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị giao dịch tại KBNN.

Gần đây nhất, hệ thống KBNN tiếp tục triển khai bổ sung một số chương trình cơ bản. Đơn cử như chương trình ứng dụng hệ thống kiểm soát chi đầu tư qua KBNN (ĐTKB-GD) phục vụ trực tiếp cho KBNN trong công tác quản lý, kiểm soát soát, thanh toán vốn cho các dự án đầu tư qua KBNN. Chương trình có chức năng nhận chứng từ, hồ sơ từ DVCTT và giao dịch viên chỉ tác nghiệp trên ĐTKB-GD. Hay kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị giao dịch vào DVCTT nhằm tạo điều kiện để đơn vị giao dịch rút ngắn thời gian phải tác nghiệp thủ công trên nhiều ứng dụng tại đơn vị và DVCTT…

Những bước tích hợp này được xem là những bước cải cách lớn trong việc gia tăng tiện ích của DVCTT đáp ứng kịp thời và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của đơn vị giao dịch với KBNN.

Hướng tới sự hài lòng của khách hàng và tiến tới kho bạc số

Những tiện ích khi thực hiện giao dịch trên DVCTT đã rõ. Hơn nữa, hiện nay, cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ kiểm soát chi NSNN ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, quy trình nghiệp vụ giao dịch trực tiếp và giao dịch trực tuyến đều được hướng dẫn tập trung trong một cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, những giải pháp kỹ thuật trên DVCTT được cập nhật, sửa đổi kịp thời trên cơ sở ghi nhận ý kiến phản hồi của người sử dụng để phục vụ người sử dụng ngày càng tốt hơn.

Theo ghi nhận từ phía các đơn vị SDNS, DVCTT của KBNN có rất nhiều tiện ích, vì thế, khách hàng luôn theo dõi được quá trình tiếp nhận hồ sơ và giải quyết của giao dịch viên KBNN đang ở mức nào, tiết kiệm nhiều khoản chi phí hành chính…

Tuy nhiên, để DVCTT thực sự phát huy hết các lợi ích và là bước đệm để toàn hệ thống KBNN hướng tới kho bạc số, các đơn vị KBNN đang kiến nghị KBNN hoàn thiện thiết kế giao diện theo nhu cầu của người sử dụng; đồng thời, bổ sung thêm các thông báo và tác nghiệp cần làm đối với mỗi dịch vụ công.

100% chứng từ được giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến

Theo số liệu từ Cục Công nghệ thông tin - Kho bạc Nhà nước, đến nay, 100% đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc (trừ khối an ninh, quốc phòng) trên toàn quốc đã thực hiện đăng ký kê khai giao dịch chi ngân sách nhà nước qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước với 100% chứng từ giao dịch trực tuyến.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước đã cung cấp thêm kênh giao dịch điện tử, là một bước tiến lớn trong việc hình thành kho bạc điện tử, là bước cải cách hành chính mạnh mẽ của Kho bạc Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, đáp ứng được các chủ trương định hướng chiến lược, các hạng mục nghiệp vụ theo cấu trúc hệ thống chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó, cần nâng cấp hiệu năng để đơn vị SDNS gửi được file hồ sơ có dung lượng lớn kèm chứng từ trên DVCTT mà không phải đến KBNN để gửi hồ sơ trực tiếp bằng giấy (thuộc lĩnh vực kiểm soát chi đầu tư và chi mua sắm tài sản); bổ sung những tính năng chọn thời gian giải quyết đối với hồ sơ, chứng từ thuộc lĩnh vực chi đầu tư có quy định thời gian xử lý 1 ngày (khi tạm ứng và thanh toán trước, kiểm soát sau), 3 ngày (kiểm soát trước, thanh toán sau); cho phép được đăng ký DVCTT đối với dự án đầu tư được quản lý bởi nhiều chủ đầu tư, nhiều cấp ngân sách.

Ngoài ra, DVCTT cần hoàn thiện hơn, bổ sung chức năng cho phép sắp xếp để tiếp nhận, phê duyệt chứng từ theo thứ tự thời gian; chức năng chọn để xử lý những chứng từ đơn giản, có thời hạn ngắn trước. Những chứng từ phức tạp, có thời gian giải quyết dài, cần kiểm tra, kiểm soát hồ sơ sau (cho phép đẩy chứng từ sang mô đun khác để xử lý sau).

Đồng thời, các đơn vị KBNN cũng đề nghị DVCTT nên được bổ sung tính năng tra cứu, kiểm tra số dư tài khoản ngay khi giao dịch viên tiếp nhận, xử lý hồ sơ và kiểm soát số dư tạm ứng từng tiểu mục, nếu không đủ thì không giao diện sang Tabmis. Điều này sẽ giúp giảm thiểu thao tác thủ công đối với công chức, và sẽ giúp giảm áp lực công việc trong những thời điểm cao điểm.

Bên cạnh đó, DVCTT cần bổ sung tính năng kiểm soát ngay từ khâu nhập chứng từ của đơn vị giao để giảm bớt lỗi sai đơn giản như nhập thiếu mã nguồn, mã dự phòng… trước khi gửi kho bạc. Qua đó góp phần tiết kiệm thời gian kiểm soát hồ sơ cho công chức kho bạc cũng như công tác chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ của cán bộ đơn vị SDNS.

KBNN cần sớm ban hành và hướng dẫn quy định về lưu trữ chứng từ điện tử thay cho phương thức in và lưu chứng từ phục hồi như hiện nay. Đặc biệt, DVCTT cần được bổ sung chức năng ký số của chức danh giao dịch viên để chứng từ khi đưa vào lưu trữ thể hiện đầy đủ thông tin ký số của tất cả các chức danh theo quy định.

Tiến tới tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia

Để nâng cao hiệu quả cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Kho bạc Nhà nước đang phấn đấu tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Kho bạc Nhà nước lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước mở rộng triển khai kết nối liên thông hệ thống kế toán hành chính - sự nghiệp với hệ thống dịch vụ công trực tuyến để hình thành liên thông điện tử giữa đơn vị với Kho bạc Nhà nước; kết nối điện tử với các nhà cung cấp điện, nước, viễn thông nhằm thanh toán định kỳ, theo lô với các khoản chi theo hóa đơn của nhà cung cấp và ủy quyền của đơn vị quan hệ ngân sách; nghiên cứu cơ chế nghiệp vụ và triển khai liên thông dữ liệu hợp đồng điện tử và hồ sơ chi ngân sách nhà nước giữa dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước với mạng đấu thầu quốc gia...