Hội thảo có sự tham dự của khoảng 80 đại biểu là đến từ một số bộ, ngành Trung ương; đơn vị thuộc Bộ Tài chính; các trường đại học khối Kinh tế - tài chính; công ty về bảo mật chuỗi khối (blockchain); ngân hàng thương mại; nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế...

Hoàn thiện quy định quản lý tài sản ảo, đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám
TS. Nguyễn Như Quỳnh (bên trái) điều phối thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Hồng Vân.

Giá trị vốn hóa tiền ảo toàn cầu đạt 2,21 nghìn tỷ USD

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ chuỗi khối blockchain, thế giới đã chứng kiến sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của đồng Bitcoin và sau đó là các loại tiền mã hóa, tài sản mã hóa và tài sản ảo khác.

Tính đến cuối tháng 8/2024, giá trị vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu ước tính đạt 2,21 nghìn tỷ USD với hơn 2,4 triệu loại tiền mã hóa theo thống kê của CoinMarketCap.

Các hoạt động, giao dịch tiền mã hóa, tài sản ảo đã từng không được công nhận và cấm tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhưng quan điểm này đang dần thay đổi.

Trên thế giới, nhiều nước đã ban hành và dần hoàn thiện khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa. Đa số các quốc gia thuộc nhóm G20, ngoại trừ Trung Quốc, đã chính thức hợp pháp hóa và cấp phép một số loại dịch vụ tài sản mã hóa, cấp phép với các sàn giao dịch tài sản mã hóa, đánh thuế đối với giao dịch tài sản mã hóa.

Tài sản mã hóa là xu hướng phát triển tất yếu. Các giao dịch liên quan tới tài sản mã hóa vẫn diễn ra trên thị trường và không ngừng phát triển. Do đó, cần có phương án quản lý phù hợp.

Các tổ chức tài chính quốc tế như Hội đồng ổn định tài chính (Financial Stability Board, FSB), Tổ chức Quốc tế của các Ủy ban Chứng khoán (International Organization of Securities Commissions, IOSCO), Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng,… cũng ban hành các hướng dẫn, thông lệ tốt và khuyến cáo đối với các cơ quan quản lý về vấn đề quản lý và giám sát tài sản mã hóa.

Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện các quy định quản lý tài sản ảo, tài sản mã hóa phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF) để đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ cũng đã yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, đồng thời chứng minh việc thực thi khung pháp lý đó (gồm các biện pháp: đảm bảo tuân thủ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật), với thời hạn tháng 5/2025.

Việc xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain, tài sản số, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hóa, tiền mã hóa là rất cần thiết nhưng các biện pháp quản lý nhà nước đối với các vấn đề này cần thận trọng, đảm bảo sự cân bằng giữa mục tiêu khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong xã hội...

Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Hồng Vân.
Các chuyên gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Hồng Vân.

Tiềm ẩn gian lận từ huy động vốn từ tiền ảo

Tham gia thảo luận tại hội thảo, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam dự báo đến năm 2030, toàn cầu sẽ có 16.000 tỷ USD tài sản truyền thống được mã hóa. Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa và đứng thứ 7 với 17,4% dân số sở hữu tài sản mã hóa và thuộc "TOP 30" quốc gia có tỷ lệ sở hữu tài sản mã hóa cao nhất.

Tuy nhiên, do lợi nhuận lớn, việc huy động vốn cộng đồng từ tài sản mã hóa cũng đã xảy ra gian lận. Ông Trung cho biết, nhiều đơn vị không rõ thông tin đã tổ chức hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh để thu hút huy động vốn từ cộng đồng. Báo cáo từ người dùng cho thấy, họ bị lừa đảo thông qua việc gửi, nạp tiền lên các nền tảng sàn giao dịch, ví không rõ thông tin.

Chia sẻ thêm, TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, dù muốn hay không thì phải thừa nhận rằng, có một bộ phận dân cư Việt Nam đang nắm giữ và thực hiện giao dịch liên quan tới tài sản mã hóa, trong đó có các giao dịch liên quan tới bitcoin.

Tuy nhiên, việc thực hiện các giao dịch liên quan tới tài sản mã hóa cho mục đích rửa tiền là vấn đề nhức nhối trong thực tiễn thi hành pháp luật ở nhiều quốc gia hiện nay.

Ông Cường cho rằng, để quản lý chặt chẽ hơn nữa các hoạt động giao dịch liên quan tới tài sản mã hóa, xử lý tốt hơn những vấn đề phức tạp phát sinh, khung khổ pháp luật về lĩnh vực này vẫn cần tiếp tục được quan tâm hoàn thiện trong thời gian tới./.

Đại diện nhóm nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với tài sản mã hóa của Học viện Tài chính, TS. Nguyễn Thị Thùy Dung đề xuất, để bảo vệ quyền lợi của người dân, Chính phủ cũng cần nâng cao nhận thức, tăng cường cung cấp thông tin, cảnh báo kịp thời, xây dựng đồng bộ cơ chế bảo vệ được quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các pháp luật điều chỉnh tài sản mã hóa trong tương lai.