Từng bước làm chủ công nghệ

Với việc xây dựng thành công Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và đưa vào sử dụng từ năm 2012, không những giúp Kho bạc Nhà nước (KBNN) từng bước làm chủ công nghệ mà còn chủ động về mặt số liệu, kịp thời phục vụ yêu cầu quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) của cơ quan tài chính và chính quyền các cấp.

Ông Bùi Thế Phương - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (KBNN) cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020, KBNN đã xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) bao trùm toàn bộ các mảng chức năng chính của KBNN.

Một trong những kết quả nổi bật của KBNN trong tiến trình hiện đại hóa, trở thành kho bạc điện tử phải kể đến đó là hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Được xây dựng và thí điểm từ năm 2016, đến đầu năm 2018, KBNN chính thức vận hành và cung cấp DVCTT cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch tại các đơn vị KBNN.

Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung

Đến nay, 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT KBNN. Số lượng giao dịch chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng trên hệ thống DVCTT đạt trên 99,6%.

Đặc biệt, triển khai DVCTT, KBNN đã nhận được rất nhiều sự khen ngợi, hưởng ứng từ phía khách hàng, đơn vị sử dụng ngân sách. Chị Đào Thu Hằng – kế toán viên Học viện Quản lý giáo dục cho biết, trước đây khi giao dịch với kho bạc, quá trình xử lý hồ sơ thường mất từ 2 - 3 ngày. Từ khi tham gia DVCTT, hồ sơ đơn vị gửi sang chỉ mất tối đa 1 ngày xử lý. “Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, DVCTT đã cho phép chúng tôi làm việc cả ngoài giờ, thậm chí là cả ban đêm hay vào lúc sáng sớm chúng tôi vẫn có thể gửi hồ sơ đến kho bạc trên DVCTT. Vô cùng tiện lợi!” - chị Hằng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thu Huyền – Kế toán trưởng Ban quản lý dự án, Trung tâm kỹ thuật phát thanh truyền hình Hà Nội, cũng có những nhận xét về sự tiện ích của DVCTT. “Từ khi thực hiện giao dịch trên DVCTT, tôi nhận thấy khối lượng hồ sơ và các thao tác nghiệp vụ được giảm tải rất nhiều. Đặc biệt, việc nhập hồ sơ chỉ cần thực hiện 1 lần. Quá trình chỉnh sửa hồ sơ nếu có sai sót cũng được thực hiện trên phần mềm, rất nhanh gọn. Vì thế, đã tiết kiệm được cho đơn vị chúng tôi nhiều chi phí và thời gian đi lại” - chị Huyền cho biết.

DVCTT được coi là bước cải cách đột phá của KBNN trong tiến trình hiện đại hóa, từ DVCTT, KBNN đã xây dựng và triển khai liên thông các hệ thống DVCTT – Tabmis – thanh toán điện tử với ngân hàng. Việc liên thông này đã hiện đại hóa một bước quy trình nghiệp vụ kiểm soát chi NSNN theo hướng điện tử hóa. Theo đó, tại KBNN, mỗi giao dịch viên, kiểm soát viên, cấp phê duyệt giao dịch chỉ thực hiện 1 lần và thực hiện trên hệ thống DVCTT (phân hệ phục vụ đơn vị Kho bạc), các phần nghiệp vụ tại Tabmis, thanh toán điện tử với ngân hàng được thực hiện hoàn toàn tự động.

Nâng cấp, mở rộng hệ thống dịch vụ công trực tuyến tiện ích và đa kênh

Bộ Tài chính đã phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Kho bạc nhà nước (KBNN), phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025. Tại bản kế hoạch, Bộ Tài chính đặc biệt lưu ý KBNN tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhằm hoàn thiện, bổ sung các dịch vụ và tiện ích cho khách hàng giao dịch qua đa kênh như web, mobile. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích khách hàng sử dụng DVCTT KBNN thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Với số lượng giao dịch chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng trên hệ thống DVCTT đạt trên 99,6%, công tác kiểm tra, giám sát cũng đã bước đầu được KBNN cải cách, đổi mới để thích ứng, chuyển đổi từ thủ công sang ứng dụng CNTT. Theo đó, KBNN đã xây dựng Phần mềm tiện ích tra cứu dữ liệu DVCTT phục vụ công tác kiểm tra, giám sát. Thông qua tiện ích này, công chức thanh tra, kiểm tra trong toàn hệ thống KBNN được cấp user có quyền tra cứu dữ liệu chương trình DVCTT, nhằm phát hiện những vấn đề bất thường để cảnh báo cho lãnh đạo đơn vị có biện pháp xử lý, đồng thời phục vụ tích cực và hiệu quả cho việc xây dựng kế hoạch và tiến hành các cuộc kiểm tra…

Từng bước đi vững chắc của hệ thống KBNN trong tiến trình hiện đại hóa đã cho thấy KBNN luôn đi đúng theo mục đích tôn chỉ đã đặt ra - đó là lấy “khách hàng làm trọng tâm phục vụ”. Những kết quả này đã tạo thành dòng huyết mạnh, không ngừng lưu thông, đưa vốn ngân sách đi khắp mọi miền đất nước, phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Vượt qua thách thức bằng các giải pháp cụ thể

Ông Trần Quân – Tổng giám đốc KBNN cho biết, trong thời gian tới, các yêu cầu về chuyển đổi hướng tới kho bạc số sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với toàn hệ thống. Do đó, KBNN sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT và chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử; đẩy mạnh giao dịch trên DVCTT, gia tăng các tiện ích cho người sử dụng.

Đồng thời, cũng theo Tổng giám đốc KBNN, trong quá trình xây dựng kho bạc điện tử, toàn hệ thống đã vận hành và làm chủ nhiều hệ thống CNTT lớn như: Tabmis, DVCTT, thanh toán điện tử với hệ thống ngân hàng, phối hợp thu NSNN, ứng dụng tra cứu số dư và trạng thái hồ sơ chi điện tử trên thiết bị di động… Trên nền tảng này, trong thời gian tới, KBNN tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng đã có nhằm củng cố hoàn thiện kho bạc điện tử, đồng thời xây dựng các bài toán hướng đến hình thành kho bạc số…

Hành trình tiến tới kho bạc số đang được KBNN từng bước triển khai, thực hiện. Khó khăn, thách thức còn ở phía trước, nhưng với kinh nghiệm từ việc xây dựng kho bạc điện tử cùng với truyền thống đoàn kết, nỗ lực đổi mới, sáng tạo của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống KBNN, có thể khẳng định, KBNN sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành kho bạc số theo đúng lộ trình, kế hoạch đặt ra, góp phần cùng cả nước hướng tới chính phủ số.

Ban hành Chương trình hành động

Ngay khi Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, KBNN đã khẩn trương hoàn thiện và trình Bộ Tài chính ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược; nghiên cứu để triển khai đầy đủ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.