Toàn cảnh hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ 14. Ảnh: Thanh Tâm |
Năm 2023, tổng kinh phí khuyến công thực hiện của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 81,725 tỷ đồng, đạt 82,3% so với kế hoạch năm (99,35 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện là 30,68 tỷ đồng, đạt 95,85% so với kế hoạch (32,01 tỷ đồng), chiếm 37,5% kinh phí khuyến công toàn vùng.
Một số địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương ở mức khá từ 4 đến 8,3 tỷ đồng trong khu vực cho hoạt động khuyến công là: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau.
Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cũng dành hỗ trợ cho tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn và công tác truyền thông. Năm 2023, công tác thông tin tuyên truyền vẫn được duy trì và ngày càng được nâng cao về chất lượng với kinh phí thực hiện là 9,7 tỷ đồng, chiếm 7,1% tổng kinh phí thực hiện.
Theo đánh giá của Cục Công thương địa phương, chính sách khuyến công quốc gia giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp tại khu vực nông thôn đẩy mạnh tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, phát triển sản xuất, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương.
Đặc biệt, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã giúp hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn./.
Hoạt động khuyến công đã được nhiều địa phương, đặc biệt tỉnh, thành phía Nam quan tâm tổ chức thực hiện, qua đó góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. |