Lực lượng bộ đội Quân khu 7 hỗ trợ bốc xếp gạo tại phường 13, quận Gò Vấp.

Lực lượng bộ đội Quân khu 7 hỗ trợ bốc xếp gạo tại phường 13, quận Gò Vấp. Ảnh: Gia Cư

Đây không chỉ là quyết tâm lớn của hệ thống chính trị TP. Hồ Chí Minh mà của cả các ngành chức năng cùng phối hợp tham gia nhằm hỗ trợ gạo cho người dân vùng dịch nhanh nhất, kịp thời nhất.

Hỗ trợ vận chuyển bàn giao đến tận xã, phường

Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, sau khi kết thúc tiếp nhận bàn giao cấp phát trên 14 nghìn tấn gạo cho người dân khó khăn đợt 1, trong đợt 2 thành phố (TP) tiếp tục được Chính phủ cấp hỗ trợ hơn 56.500 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia. Sở LĐTB-XH sẽ làm đầu mối chủ trì phân bổ cho các địa phương sau khi tiếp nhận gạo từ phía đơn vị cung cấp.

Trong đợt 2, Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm điều phối bàn giao 31.556 tấn, Cục DTNN Khu vực Đông Nam Bộ trên 25 ngàn tấn gạo cho TP. Hồ Chí Minh và bổ sung 2.963 tấn (của đợt 1) cho tỉnh Bình Dương. Thông qua sự điều phối, giám sát của Cục DTNN khu vực TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, căn cứ vào danh sách tổng hợp từ cơ sở, Phòng LĐTB-XH các quận, huyện chịu trách nhiệm tiếp nhận bàn giao gạo đến tận xã, phường, thị trấn. Theo ông Tấn, chủ trương của lãnh đạo thành phố đợt này là ngay sau khi tiếp nhận, các đơn vị xã, phường chịu trách nhiệm huy động bốc xếp, chia nhỏ, phân phát và tổ chức các đoàn đi trao, trong khoảng thời gian không quá 2 ngày toàn bộ số gạo phải được trao dứt điểm đến tận tay người dân.

Theo thống kê, toàn TP. Hồ Chí Minh có khoảng 4,7 triệu người cần được hỗ trợ gạo trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đợt 2 sẽ có khoảng 3,7 triệu người được hỗ trợ 15kg gạo trong thời gian 1 tháng. Giám đốc Sở LĐTB-XH TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, rút kinh nghiệm từ đợt bàn giao trên 14 nghìn tấn gạo trong đợt 1 vừa qua, trong đợt 2 này Sở LĐTB-XH đã chủ động làm việc và thống nhất với các nhà thầu và hai Cục DTNN khu vực TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, không tổ chức tiếp nhận bàn giao gạo tại trung tâm các quận, huyện mà hỗ trợ vận chuyển bàn giao đến tận các xã, phường. Điều này không chỉ rút ngắn được thời gian mà còn tiết kiệm được kinh phí bốc xếp, vận chuyển trung gian từ các quận, huyện về các xã, phường. “Hơn nữa việc bàn giao về tận xã, phường sẽ thuận lợi hơn, đỡ khó khăn hơn trong việc huy động nhân công, lực lượng tại chỗ để giải phóng nhanh lượng gạo vận chuyển cho đơn vị bàn giao” – ông Tấn cho biết thêm.

Về phía đơn vị DTNN, ông Nguyễn Văn Khoa - Cục trưởng Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ cho rằng, việc hỗ trợ vận chuyển, bàn giao gạo đến tận các đơn vị xã, phường để trao cho người dân cũng sẽ giảm thiểu được rủi ro như mưa gió, thất thoát, chất lượng gạo… “Chúng tôi thường xuyên liên lạc với địa phương và cử cán bộ giám sát tại nơi bàn giao, yêu cầu khi phát hiện những rủi ro phải báo lại ngay cho Cục DTNN để kịp thời xử lý” – ông Khoa nhấn mạnh.

Tăng cường giám sát 3 bên

Bà Nguyễn Thị Huyền – Trưởng phòng kế hoạch và Quản lý hàng dự trữ, Cục DTNN khu vực TP. Hồ Chí Minh cho biết, để đảm bảo các yêu cầu về thời gian, giám sát chất lượng cũng như công tác vận chuyển điều phối gạo hài hòa, hợp lý, đợt này đơn vị sẽ áp dụng phương thức “3 bên”, nhà thầu, địa phương và cục DTNN. Theo đó, cục DTNN trực tiếp điều phối, giám sát các nhà thầu, trực tiếp liên hệ làm việc với các địa phương, cụ thể là các phòng LĐTB-XH cùng tham gia giám sát chất lượng, quá trình vận chuyển, bàn giao cho các xã, phường, thị trấn.

Theo bà Huyền, trong đợt 2, bình quân mỗi ngày Cục DTNN khu vực TP. Hồ Chí Minh bàn giao hoàn thành 2.500 tấn gạo cho các địa phương, phấn đấu kết thúc toàn đợt vào ngày 8/10/2021. Tại Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ, bà Nguyễn Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thanh tra cho biết, quá trình giám sát chất lượng được kiểm tra đối chứng mẫu gạo giữa 3 bên giữa cục DTNN, nhà thầu (xe vận chuyển), địa phương nơi tiếp nhận. “Trước khi triển khai chúng tôi phải kiểm tra chân hàng, lấy mẫu đối chứng từ nơi xuất hàng. Việc lấy mẫu đối chứng được thực hiện ngẫu nhiên, kiểm tra chứng thư khách hàng đối với nhà thầu theo đúng quy định đối với từng lô hàng có sự giám sát 3 bên” – bà Hà cho biết.

Ghi nhận tại quận Gò Vấp ngày 28 - 29/9/2021, bà Đào Thị Minh Thư – Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, khi có thông tin lượng gạo từ phía cục DTNN và các nhà thầu chuyển về chúng tôi bố trí sẵn lực lượng tại chỗ tại các “pháo đài” phường để bốc xếp gạo, giải phóng xe vận chuyển quay đầu. “Không kể thời gian ngày hay đêm, chẳng hạn như đêm 28/9 Lữ đoàn phòng không 77, Quân khu 7 đã cử cán bộ, chiến sĩ bốc gạo thâu đêm đến 5h sáng mới giải phóng lô hàng. Ngay sáng hôm sau lực lượng tại chỗ gồm: hội phụ nữ, đoàn thanh niên, tình nguyện viên… tiếp tục công việc chia nhỏ phần gạo vận chuyển ngay đến các điểm cấp phát tận tay cho người dân. Yêu cầu không quá 2 ngày kể từ khi tiếp nhận gạo phải được trao cho người dân theo đúng chỉ đạo của thành phố” - bà Thư chia sẻ. Cũng theo bà Thư, trong đợt 1 và đợt 2, riêng tại quận Gò Vấp tiếp nhận hơn 2 nghìn tấn gạo. Số gạo 1.540 tấn đợt 2 sẽ được thực hiện theo phương châm gạo về tới đâu, tổ chức tiếp nhận, cấp phát ngay tới đó.

“Thống kê 2,8 triệu hộ dân, gần 2 triệu hộ thiếu đói trong đợt giãn cách xã hội tại TP. Hồ Chí Minh với khoảng 4,7 triệu người được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ sau 2 đợt, đã tiếp sức cho thành phố có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh trong thời gian sớm nhất”. - Giám đốc Sở LĐTB-XH TP. Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn.

Gia Cư