Một trong những ngân hàng có động thái tăng lãi suất huy động thời gian gần đây là Ngân hàng Kiên Long (KienlongBank). Với việc điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Theo đó ở một số kỳ hạn, mức lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng lên đến 0,4% so với mức cũ.

Đối với lãi suất huy động tại quầy, KienlongBank sẽ thực hiện điều chỉnh tăng từ 0,1% - 0,3% dành cho nhóm khách hàng cá nhân với các kỳ hạn từ 1 tháng đến 7 tháng.

Lãi suất huy động nhích tăng, lãi suất cho vay vẫn ổn định
Lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay vẫn ổn định. Ảnh: T.L
Cụ thể hóa lãi suất cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội Lãi suất huy động và cho vay sẽ không thuận chiều trong năm 2022 Dù FED tăng lãi suất, tiền Đồng vẫn đang có yếu tố hỗ trợ để ổn định

Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, lãi suất được điều chỉnh tăng thêm từ 0,1% đến 0,4% cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 9 tháng. Sau điều chỉnh, khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có thể nhận mức lãi suất tối đa lên đến 6,75% và 6,40%.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới tăng cao hơn tại một số kỳ hạn dành cho khách hàng cá nhân, từ cuối tháng 5/2022.

Đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất cao nhất của Techcombank là 6,2%/năm, kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, Techcombank cũng có chính sách lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng có số dư tiền gửi lớn, cam kết không rút trước hạn; hoặc những khách hàng sử dụng thêm sản phẩm bảo hiểm.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã điều chỉnh tăng mạnh ở nhiều kỳ hạn trên kênh tiền gửi trực tuyến.

Cụ thể, tại kỳ hạn 36 tháng, khi gửi số tiền dưới 300 triệu đồng, lãi suất huy động của VPBank hiện là 6,4%/năm, tăng 0,3 điểm phần trăm so với trước. Kỳ hạn 24 tháng với khoản dưới 300 triệu đồng, lãi suất tăng từ 6% lên 6,3%/năm; kỳ hạn 13 tháng tăng từ 5,9%/năm lên 6,2%/năm… Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn ngắn của VPBank vẫn giữ ở mức ổn định.

Mặc dù lãi suất đầu vào tăng tại một số ngân hàng, nhưng theo ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất đầu ra vẫn giữ ổn định.

Trong khi đó, các khách hàng thuộc diện được hưởng các chính sách ưu đãi vẫn được thực hiện theo các quy định chung đang được hệ thống ngân hàng triển khai.

Theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng.

Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng hiện cũng đang vào cuộc để thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, các nhóm đối tượng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 31 sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo chính sách chung./.