Lạm phát năm 2025 sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 4%
Kết quả năm 2024 là cơ sở để lạm phát trong năm 2025 được kiểm soát ở mức dưới 4%. Ảnh tư liệu

PV: Nhìn lại năm 2024, kinh tế trong nước tiếp tục chịu tác động của kinh tế thế giới, ông đánh giá thế nào về công tác điều hành giá trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường?

TS. Nguyễn Đức Độ: Trong nửa đầu năm 2024, áp lực lạm phát tại Việt Nam tương đối lớn, khi CPI bình quân 6 tháng đầu năm đã tăng 4,08% so với cùng kỳ, còn tỷ giá USD bình quân cũng tăng 5,64% so với 6 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, kể từ quý III/2024 lạm phát so với cùng kỳ đã bắt đầu xu hướng giảm khi các tác động đến CPI của các đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023 dần bị loại bỏ. Bên cạnh đó, giá USD cũng có xu hướng giảm trong quý III/2024. Kết quả, CPI bình quân cả năm 2024 chỉ tăng 3,63% so với năm 2023. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4%.

Việc lạm phát giảm trong nửa cuối năm 2024, bên cạnh các nguyên nhân nêu trên, còn nhờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán năm 2023 chỉ tăng 10%, còn đến đến 25/12/2024 chỉ tăng 9,42% so với cùng thời điểm năm 2023. Lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ. NHNN cũng đã bán ra khoảng 9 tỷ USD trong năm 2024 để ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, Chính phủ đã không thực hiện các đợt điều chỉnh lớn đối với giá dịch vụ y tế và giáo dục. Giá điện cũng chỉ tăng 1 đợt vào tháng 10/2024 với mức tăng 4,8%.

PV: Theo ông, lý do nào giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát thành công và ông nhận định như thế nào về mục tiêu lạm phát 4,5% của năm 2025 khi kinh tế Việt Nam dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức?

Lạm phát năm 2025 sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 4%

TS. Nguyễn Đức Độ: Lạm phát tại Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào 4 yếu tố, bao gồm: cung tiền, lãi suất, tỷ giá và giá dầu. Trong 10 năm qua (2014 - 2023) tăng trưởng cung tiền (với độ trễ 1 năm) chỉ ở mức dưới 14%/năm, thấp hơn nhiều mức hơn 27%/năm trong 10 năm trước đó (2004 - 2013). Về tỷ giá, VND trong giai đoạn 2014 - 2024 cũng chỉ mất giá trung bình 1,6%/năm so với USD, thấp hơn nhiều mức 2,9% của giai đoạn 2004 - 2014. Lãi suất huy động giai đoạn 2014 - 2024 luôn được duy trì ở mức thực dương, trung bình là 3,7% đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, trong khi con số của giai đoạn 2004 - 2014 là 0%. Đây là những yếu tố giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức thấp trong 10 năm qua, bao gồm cả năm 2024.

Riêng trong năm 2024, mặc dù áp lực của tỷ giá đến lạm phát tương đối lớn như đã nói ở trên, nhưng bù lại, giá dầu lại tương đối ổn định và góp phần vào việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới mục tiêu. Trong năm 2025 lạm phát trung bình, theo dự báo của tôi, nhiều khả năng cũng chỉ xoay quanh mức 3% (+/- 0,5%), thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4 - 4,5%.

PV: Theo ông, đâu sẽ là yếu tố chính tác động chính tới lạm phát trong năm nay?

TS. Nguyễn Đức Độ: Về cơ bản, trong 10 năm qua, nhờ chính sách tiền tệ (cung tiền, lãi suất) ổn định, lạm phát đã được neo xoay quanh mức 2,8%, là mức trung bình của giai đoạn 2015 - 2024. Những năm có lạm phát cao hay thấp hơn nhiều so với mức trung bình này thường liên quan đến các yếu tố như giá dầu, tỷ giá, giá dịch vụ y tế và giáo dục do Nhà nước quản lý.

Trong năm 2025, áp lực từ giá dầu được dự báo không quá lớn do nguồn cung dồi dào, còn nhu cầu về dầu tăng chậm khi kinh tế thế giới được dự báo chỉ tăng trưởng ở mức vừa phải, khoảng 3,2%, tương đương năm 2024. Thậm chí, nếu kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái do tình trạng lãi suất cao được duy trì quá lâu tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu (EU), giá dầu có thể giảm mạnh. Trong kịch bản thấp lạm phát tại Việt Nam năm 2025 có thể chỉ ở mức 2,5%, thậm chí có thể còn thấp hơn.

Tỷ giá là yếu tố khó lường trong năm sau. Nếu kinh tế Mỹ vẫn mạnh, còn kinh tế Trung Quốc, EU, Nhật Bản yếu đi, đồng USD có thể sẽ tăng giá mạnh và gây áp lực lên lạm phát tại Việt Nam. Trong bối cảnh này, nếu Chính phủ vẫn điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như giá điện, lạm phát trung bình năm 2025 có thể tăng lên mức 3,5%.

*PV: Quốc hội đã xác định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 6,5 - 7%, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 4,5%. Để kiểm soát lạm phát, cần thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Độ: Kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ của Chính phủ. Như đã nói ở trên, các chính sách tiền tệ, tỷ giá đã và đang được NHNN điều hành đúng hướng, hiệu quả trong 10 năm qua. Đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng rằng, lạm phát trong năm 2025 sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 4%.

Nếu áp lực từ tỷ giá lớn nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng ổn định, NHNN có thể thực hiện chính sách tiền tệ, tỷ giá thận trọng như quản lý tốc độ tăng cung tiền ở mức vừa phải, nâng nhẹ lãi suất chính sách, đồng thời tăng cường bán USD. Còn trong trường hợp kinh tế thế giới tăng trưởng không như kỳ vọng, thậm chí rơi vào suy thoái, chính sách tiền tệ vẫn nên hướng vào mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, còn nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế nên để chính sách tài khóa mở rộng đảm nhiệm.

Về công tác điều hành giá, Chính phủ có thể xem xét diễn biến CPI trong nửa đầu năm 2025 rồi đưa ra quyết định về thời điểm và quy mô điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như giá điện trong nửa cuối năm 2025.

PV: Xin cảm ơn ông!