Theo báo cáo tài chính mới công bố, trong quý I, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chủ lực của ngân hàng đạt 6.359 tỷ đồng, song giảm 5,4% so với quý I/2024 và giảm tới 10% so với quý trước.
Tuy nhiên, điểm sáng là thu nhập ngoài lãi của ACB tăng 7,5% đưa tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng doanh thu tăng lên 20% từ mức 18% cùng kỳ, giúp ACB đa dạng hóa nguồn thu và giảm sự phụ thuộc vào thu nhập lãi thuần. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 872,3 tỷ đồng, tăng 17%; đặc biệt là hoạt động kinh doanh thẻ với mức tăng mạnh 161%, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối đem lại 475,6 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ.
Trái lại, lĩnh vực chứng khoán không ghi nhận kết quả khả quan, khi hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lỗ 1,5 tỷ đồng; lợi nhuận từ chứng khoán kinh doanh giảm mạnh xuống còn 24 tỷ đồng, so với 196,4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
![]() |
Đồ hoạ: Ánh Tuyết. |
Vì đâu lợi nhuận ACB đi lùi? Trong thông tin phát đi ngày 23/4, theo đại diện ACB, lợi nhuận trước thuế của ACB giảm do ngân hàng chủ động thực hiện các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù lợi nhuận giảm nhẹ, trong kỳ ACB vẫn duy trì tỷ lệ ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) ở mức cao trên 20% thuộc nhóm dẫn đầu ngành, thể hiện hiệu quả quản trị vốn và khả năng sinh lời bền vững trong nhiều năm liền. |
Tại cuối quý I, quy mô tín dụng của ACB đạt 590.000 tỷ đồng, tăng 3,1%. Tổng quy mô huy động vốn đạt 664.000 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước.
Về chất lượng tài sản, ACB đi theo chiến lược tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, kiểm soát rủi ro, nhờ đó tỷ lệ nợ xấu có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ so với cuối năm 2024, còn 1,48%.
Quy mô nợ xấu (nợ nhóm 3-5) ở mức 8.880,4 tỷ đồng, trong đó nợ xấu nhóm 5 giảm nhẹ 2,3% so với cuối năm trước, còn 6.594,9 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt khoảng 72% và suy giảm so với cuối năm 2024.
Một số tiêu chí khác cũng đảm bảo quy định như: tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) ở mức 79,8%. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) đạt trên 11%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% theo tiêu chuẩn Basel II.
Năm 2025, ACB đặt kế hoạch tăng trưởng đồng đều ở nhiều chỉ tiêu tài chính quan trọng. Cụ thể, ngân hàng dự kiến tổng tài sản đạt gần 985.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2024. Dư nợ cho vay khách hàng ước đạt gần 674.000 tỷ đồng, tăng 16%, trong khi tổng huy động từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến đạt hơn 728.000 tỷ đồng, tăng 14%.
Về lợi nhuận, ACB đặt mục tiêu đạt 23.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 9,5% so với năm trước. Đồng thời, ngân hàng tiếp tục duy trì kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 2%. ACB cũng tiếp tục tiên phong trong việc ứng dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG vào hoạt động thông qua nhiều hành động cụ thể./.