Mới đây, Câu lạc bộ Quản lý buồng Việt Nam thuộc Hiệp hội Khách sạn Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về “Phát triển bền vững trong lĩnh vực lưu trú du lịch”, tại tỉnh Quảng Ninh.

Nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang - Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý buồng Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, hiện cả nước có 41 khách sạn có chứng nhận Khách sạn Xanh ASEAN, trên tổng số hơn 38.000 cơ sở lưu trú (dưới 0,02%). Đây là con số quá ít trong khi đầu tư cho khách sạn xanh và bền vững sẽ mang lại rất nhiều giá trị cho chủ đầu tư, người lao động, khách hàng, cho xã hội và cả môi trường sống…

Môi trường lưu trú là mối quan tâm hàng đầu của du khách
Hiện cả nước có 41 khách sạn có chứng nhận Khách sạn Xanh ASEAN, trên tổng số hơn 38.000 cơ sở lưu trú. Ảnh: Văn Nam.

Bà Nguyễn Thanh Bình - Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch Việt Nam), khẳng định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Tuy nhiên, những mối nguy hại cho môi trường lại từ chính hoạt động du lịch tạo ra, như: gây ô nhiễm môi trường, nước thải ở các khu du lịch, khí thải, chất thải rắn... đã tác động tiêu cực đến tài nguyên và hệ sinh thái, đa dạng sinh học.

Với mục tiêu chung tay phát triển bền vững ngành khách sạn ở Việt Nam theo tinh thần của Tổ chức Du lịch thế giới và định hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam, hội thảo cung cấp các thông tin về du lịch bền vững, làm rõ thực trạng và giải pháp phát triển xanh, bền vững tại các cơ sở lưu trú ở Việt Nam và khu vực châu Á.

Bà Ngô Hoài Oanh - Giám đốc quản lý buồng chuỗi khách sạn SOJO cho rằng, qua thực tế cho thấy, ngày càng nhiều du khách quan tâm tới vấn đề môi trường. Họ ưu tiên đặt phòng tại các khách sạn có chính sách, chứng chỉ liên quan đến bảo vệ môi trường như tiết kiệm điện, nước; sử dụng chế phẩm xanh hay xử lý rác thải không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Có đến 90% khách mong đợi nghỉ tại cơ sở lưu trú "xanh" khi đi xa; thậm chí có đến 40% khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để lưu trú tại các khách sạn áp dụng chính sách "môi trường xanh" như hạn chế sử dụng hóa chất và xử lý chất thải độc hại, quản lý và xử lý nước thải, kiểm soát tiếng ồn trong quá trình vận hành, quản lý chất lượng không khí trong khách sạn, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường.

Cùng đề cập tới du lịch xanh, ông Lê Quốc Việt - CEO Santa Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, du lịch xanh được hiểu là sự cam kết của tất cả các bên liên quan đến du lịch, bao gồm cả nhà nước và tư nhân, thực hiện việc giảm thiểu chi phí và tối ưu hóa lợi ích cho môi trường tự nhiên, cộng đồng địa phương, người lao động và doanh nghiệp du lịch và được thực hiện trong một thời gian dài mà không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên.

Tại Quảng Nam, Bộ tiêu chí du lịch xanh của tỉnh này đã được xây dựng với sự hỗ trợ của Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sỹ (SSTP) trên cơ sở tham khảo các tiêu chí của 25 bộ tiêu chí du lịch bền vững được áp dụng trên phạm vi quốc tế, được điều chỉnh để phù hợp với doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ và điều kiện kinh doanh thực tế tại Việt Nam.

Hành động để làm cho du lịch trở nên bền vững hơn

TS. Bùi Thị Ngọc Phương - Trưởng bộ môn Du lịch (Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng) cho hay, trong bối cảnh hiện nay, một trong những thách thức chính mà ngành công nghiệp du lịch phải đối mặt là nhu cầu tách bạch sự phát triển của nó khỏi những ảnh hưởng xã hội và môi trường tiêu cực. Để giải quyết xung đột này, nhiều thành phố và điểm đến đang khuyến khích du lịch có trách nhiệm. Đây là một trọng tâm ngày càng được cả những người thực hành và các nhà nghiên cứu chú ý.

Môi trường lưu trú là mối quan tâm hàng đầu của du khách
Nhiều du khách quan tâm tới vấn đề môi trường nơi mình lưu trú. Ảnh: Văn Nam.

Du lịch có trách nhiệm là tạo ra những nơi tốt hơn để người dân sống và những nơi tốt hơn cho du khách thăm quan. Du lịch có trách nhiệm yêu cầu các nhà điều hành, chủ khách sạn, người dân địa phương và du khách phải chịu trách nhiệm, hành động để làm cho du lịch trở nên bền vững hơn. Đồng thời, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, môi trường và xã hội, tạo ra nhiều lợi ích về mặt kinh tế và nâng cao phúc lợi cho người dân ở địa phương.

Theo TS. Bùi Thị Ngọc Phương, du lịch có trách nhiệm sẽ khuyến khích người dân địa phương tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ và đóng góp một cách tích cực vào việc bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa.

Ngoài ra, du lịch có trách nhiệm không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường, văn hóa và xã hội, mà còn tìm cách tối đa hóa lợi ích cho cộng đồng địa phương và các điểm đến thông qua du lịch.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững của ngành du lịch, cộng đồng và xã hội.