Tăng trưởng kinh tế năm 2024, 2025 có thể phục hồi tốt hơn năm 2023 Số vụ tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 71,46%, riêng hối lộ tăng 312,5% Sau dịch Covid-19, nhiều loại tội phạm gia tăng

Ngày 21/11, Quốc hội dành 1 ngày để nghe về thảo luận về các báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023; báo cáo công tác năm 2023 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (KSNDTC), của Toà án Nhân dân tối cao (TANDTC)… và các báo cáo thẩm tra.

Hầu hết các loại tội phạm đều gia tăng

Tại phiên họp, trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, về cơ bản, tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội được thực hiện tốt, một số nội dung vượt chỉ tiêu, qua đó góp phần giữ vững an ninh, trật tự phục vụ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2023: Khó khăn về kinh tế làm tăng điều kiện phát sinh tội phạm
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do những khó khăn về kinh tế - xã hội làm gia tăng các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật; nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật còn hạn chế; năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp đánh giá năm 2023, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp vừa bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân và đấu tranh có hiệu quả đối với vi phạm pháp luật và tội phạm.

Lực lượng công an đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; kịp thời truy bắt các đối tượng khủng bố, chống chính quyền nhân dân; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp…

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung tội phạm gia tăng về số vụ, số người chết và thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra, điều này chứng tỏ công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực còn có mặt chưa đạt yêu cầu.

Hầu hết các loại tội phạm đều tăng, trong đó một số loại tội phạm tăng mạnh, như: số vụ giết người tăng 12,65%, cướp tài sản tăng 44,4%, cướp giật tăng 17,68%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 61,52%, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tăng 67,85%, gây rối trật tự công cộng tăng 80,75%...

“Điều này không chỉ gây bất an trong nhân dân về trật tự, an toàn xã hội mà còn thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo cho hay.

Công tác phát hiện và xử lý vi phạm đạt được nhiều kết quả tích cực

Theo cơ quan thẩm tra, công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế, nhất là: Số vi phạm pháp luật và tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, mạng internet được phát hiện gia tăng và vẫn diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi hơn, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động tín dụng đen; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở.

Nhiều đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, nhận hối lộ. Đáng lưu ý là các hành vi vi phạm nói trên đã kéo dài trong nhiều năm, xảy ra nhiều nơi nhưng chưa được kịp thời phát hiện, xử lý.

Ngoài ra, xuất hiện tình trạng lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, công ty luật dưới hình thức mua bán nợ để cưỡng đoạt tài sản với các thủ đoạn đe dọa, khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại gây hoang mang trong dư luận…

Năm 2023: Khó khăn về kinh tế làm tăng điều kiện phát sinh tội phạm
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về công tác phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, Ủy ban Tư pháp đánh giá năm 2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt được nhiều chỉ tiêu của Quốc hội giao.

Tuy nhiên, kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Số vụ phạm tội về ma túy phát hiện tăng 17,68%, số ma túy tổng hợp dạng tinh thể bị thu giữ tăng đặc biệt nhiều (1.161,10%), điều này cho thấy diễn biến hết sức phức tạp của tội phạm ma túy.

Nhiều vụ mua bán người ở trong nước diễn ra rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn như ép nạn nhân làm mại dâm hoặc cưỡng bức lao động. Tội phạm xâm hại trẻ em tăng so với cùng kỳ năm 2022 (xảy ra 1.853 vụ, tăng 41,88%). Các vụ việc xâm hại trẻ em mặc dù đã có sự quan tâm chỉ đạo, xử lý của Quốc hội và các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn diễn ra phức tạp.

15 trường hợp phải đình chỉ điều tra

Đối với công tác điều tra, xử lý tội phạm, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023 công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, nhiều nội dung đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 96.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp vẫn lưu ý còn một số hạn chế như: tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là 85,58% chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn còn vi phạm. Vẫn còn xảy ra 15 trường hợp phải đình chỉ điều tra bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can phạm tội. Số vụ việc, vụ án tạm đình chỉ tuy đã có nhiều cố gắng giải quyết nhưng đến nay vẫn còn tồn đọng nhiều.